Căn nguyên khiến người mẫu Phương Anh qua đời ở tuổi 36: Các bệnh lý tim mạch nguy hiểm như thế nào?

BS Phạm Thị Hằng, | 19/08/2023, 21:17
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Các bệnh lý tim mạch (tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ não…) đang ngày càng phổ biến và mang lại hậu quả khôn lường cho sức khỏe, thậm chí là tử vong.

Tối ngày 16/8, người mẫu Pali Delish Nguyễn - Nguyễn Hồng Phương Anh đã qua đời ở tuổi 36 trước sự tiếc thương của nhiều người. Được biết, nguyên nhân khiến nữ người mẫu xinh đẹp qua đời là do mắc bệnh lý về tim mạch.

Stylist Hoàng Anh Trần, một người đồng nghiệp thân thiết với nữ người mẫu đã chia sẻ về bệnh tình của cô:

"Pali có bệnh về tim. Thời gian dịch Covid-19, Pali đã đi cấp cứu và mổ, sức khỏe mỏng manh lắm. Sau khi mổ thì ổn hơn, khoảng 2 năm đi làm và kinh doanh, hoạt động nhiều, đi lại cũng nhiều nên sức khỏe của Pali yếu. Tôi gọi cho mẹ của Pali thì nói bị suy tim, đi cấp cứu, 4 ngày thì mất".

Căn nguyên khiến người mẫu Phương Anh qua đời ở tuổi 36: Các bệnh lý tim mạch nguy hiểm như thế nào? - Ảnh 1.

Theo bác sĩ chuyên khoa Tim mạch - Thần kinh Phạm Thị Hằng, có những dấu hiệu cảnh báo một tình trạng cấp cứu trong tim mạch nếu không được nhận biết sớm và xử trí ban đầu đúng cách có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng và đáng tiếc, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.

Những dấu hiệu các bệnh về tim mạch nguy hiểm

1. Đau thắt ngực

Người bệnh sau khi gắng sức (làm việc nặng, thể dục, thể thao, đi bộ, leo cầu thang…) thì đột ngột xuất hiện đau dữ dội vùng ngực bên trái hoặc sau xương ức, cảm giác đau như bị bóp nghẹt trong lồng ngực hoặc như bị đè nén, đau lan lên cằm hoặc lan lên vai trái, mặt trong cánh tay trái hoặc đau lan ra sau lưng, có thể kèm vã mồ hôi lạnh...

Cơn đau có thể kéo dài khoảng 3-5 phút hoặc dài hơn. Đây là biểu hiện nghi ngờ của cơn đau ngực trong nhồi máu cơ tim. Khi gặp người bệnh có triệu chứng như trên, cần nhanh chóng cho họ nằm hoặc ngồi nghỉ ngơi tại chỗ, nới lỏng thắt lưng hoặc cà vạt nếu có và đồng thời gọi xe cấp cứu 115. Nếu không gọi được xe cấp cứu bạn cần đưa người bệnh đến bệnh viện gần nhất bằng phương tiện như taxi…, không để người bệnh tự đi khám.

2. Các dấu hiệu của đột quỵ cấp

Dấu hiệu phổ biến của đột quỵ cấp được gọi tắt là F.A.S.T bao gồm đột ngột F(face) mặt mất cân đối, méo miệng; A (arm): tê hoặc yếu nửa người (tay và chân cùng bên); S (Speech): nói ngọng hoặc không nói được; T (time): đưa người bệnh đến cơ sở y tế có trung tâm đột quỵ gần nhất vì "thời gian vàng" của não chỉ kéo dài khoảng 3 giờ đến 4,5 giờ đầu tiên từ lúc khởi phát bệnh.

Nếu người bệnh được cấp cứu trong khoảng thời gian này thì khả năng hồi phục là rất cao. Nhiều trường hợp có thể đột ngột chậm chạp, gọi hỏi đáp ứng kém hoặc rối loạn thị giác (mù đột ngột, nhìn mờ, nhìn đôi…), hoặc đau đầu dữ dội kèm nôn nhiều…

Khi gặp các người bệnh có biểu hiện trên, cần tránh các hành vi sau: không cho người bệnh ăn uống thêm bất kỳ đồ gì; không tự ý uống thuốc bổ não hoặc thuốc chống đột quỵ có sẵn, không trích máu các đầu ngón tay, không cố trì hoãn nằm nghỉ ngơi thêm để chờ các biểu hiện này hết.

Căn nguyên khiến người mẫu Phương Anh qua đời ở tuổi 36: Các bệnh lý tim mạch nguy hiểm như thế nào? - Ảnh 2.

Cần nhanh chóng ghi lại hoặc chụp lại các loại thuốc mà người bệnh đang dùng nếu có; ghi lại thời gian khởi phát các triệu chứng và nhanh chóng đưa đến bệnh viện có trung tâm đột quỵ gần nhất. Những thông tin này sẽ giúp ích rất nhiều cho các bác sĩ khi cấp cứu người bệnh, rút ngắn được thời gian chờ đợi và mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh.

3. Các biểu hiện của ngừng tuần hoàn

Người bệnh đang bình thường thì đột ngột gục xuống, mất ý thức, gọi hỏi không đáp ứng với xung quanh, tím tái toàn thân, không thấy nhịp thở, có thể có đại tiểu tiện không tự chủ. Khi gặp tình huống này, cần nhanh chóng cấp cứu người bệnh đồng thời gọi người xung quanh hỗ trợ và nhờ người gọi xe cấp cứu 115 ngay.

Nhanh chóng cho người bệnh nằm xuống nền cứng, tiến hành ép tim - thổi ngạt.

Tư thế ép tim như sau: người cấp cứu quỳ bên cạnh nạn nhân, đặt tay phải lên trên mu bàn tay trái, hai tay đặt lên 1/3 dưới xương ức của nạn nhân, ấn mạnh cả hai tay cho lồng ngực xẹp xuống. Bạn cần ép tim liên tục, thậm chí không cần thổi ngạt nếu chỉ có một mình bạn cấp cứu. Có thể thay nhau ép tim nếu có người giúp đỡ và ép tim liên tục đến khi có sự có mặt của nhân viên y tế hoặc khi thấy người bệnh thở lại.

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu đưa vào các chương trình hướng dẫn cấp cứu ngừng tuần hoàn ngoại viện nhằm mang lại lợi ích cho cộng đồng bởi hầu hết các trường hợp ngừng tuần hoàn ở bên ngoài bệnh viện, nếu không được cấp cứu ban đầu, thì nguy cơ tử vong rất cao khi đưa đến bệnh viện.

4. Khó thở

Người bệnh đột thấy khó khăn khi hít vào hoặc thở ra, nhịp thở nhanh, nói câu ngắn, vã mồ hôi. Cần cho người bệnh nằm đầu cao, nới lỏng quần áo, dây thắt lưng hoặc cà vạt, cho thở oxy nếu có và nhanh chóng gọi người hỗ trợ đưa người bệnh đến bệnh viện gần nhất hoặc gọi xe cấp cứu 115 ngay.

5. Đau chân hoặc tay đột ngột

Đau dữ dội chân hoặc tay một cách đột ngột kèm theo cảm giác nặng nề, tê bì, da vùng chân hoặc tay đó lạnh, tái, nhợt hơn so với bên đối diện. Đây là dấu hiệu của tắc động mạch chi cấp tính. Nếu để lâu có thể gây thiếu máu nuôi dưỡng chi và nguy cơ hoạt tử chi, phải cắt cụt. Do vậy cần nhanh chóng ghi nhớ thời gian xuất hiện triệu chứng và đưa ngay người bệnh đến bệnh viện để tiến hành phẫu thuật lấy huyết khối càng sớm càng tốt.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Căn nguyên khiến người mẫu Phương Anh qua đời ở tuổi 36: Các bệnh lý tim mạch nguy hiểm như thế nào?