Cân nhắc thời gian kết thúc năm học

Hiếu Nguyễn | 19/02/2022, 13:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học kỳ I năm học 2021 - 2022 đối với giáo dục phổ thông diễn ra ngày 18/2, một số địa phương đã dự kiến thời gian kết thúc năm học.

Chương trình năm học được thay đổi uyển chuyển theo diễn tiến phức tạp của bệnh dịch. Ảnh minh họaChương trình năm học được thay đổi uyển chuyển theo diễn tiến phức tạp của bệnh dịch. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, việc đồng nhất một mốc thời gian kết thúc chương trình trong bối cảnh này được cho là cần hết sức cân nhắc.

Một số địa phương đã dự kiến thời gian kết thúc năm học

Bà Lâm Thị Sang, Giám đốc Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Bạc Liêu, cho biết: Từ đầu năm học 2021 - 2022, sở đã nghiêm túc thực hiện hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và khung kế hoạch thời gian năm học do UBND tỉnh ban hành. Từ ngày 7/2, địa phương bắt đầu cho học sinh các lớp 5, 9, 12 đi học trực tiếp trở lại. Các tuần sau đó, số lớp được đến trường học trực tiếp tăng dần và số buổi học trực tiếp cũng tăng dần.

Cuối tháng 2/2022, học sinh các cấp học của Bạc Liêu đều được đến trường. Về triển khai kế hoạch thời gian năm học, học kỳ I đã diễn ra đúng tiến độ và học kỳ II cũng trên tinh thần như vậy. Dự kiến, cấp trung học kết thúc năm học vào khoảng 30/5; cấp tiểu học, mầm non kết thúc năm học khoảng 20/6.

Tại Lâm Đồng, thông tin từ Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Thị Hồng Hải, giai đoạn đầu năm học, địa phương triển khai dạy học thuận lợi do tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt. Các cơ sở giáo dục linh hoạt chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến phù hợp với tình hình thực tế. Lâm Đồng bắt đầu triển khai công tác dạy và học năm học 2021 - 2022 từ 15/9/2021 và kết thúc học kỳ I vào 30/1/2022; học kỳ II bắt đầu từ ngày 7/2 và dự kiến kết thúc vào ngày 10/6.

Với Quảng Nam, ông Thái Văn Tường, Giám đốc Sở GD&ĐT, chia sẻ: Sau khai giảng vào 5/9, Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai năm học 2021 - 2022 theo đúng khung kế hoạch thời gian năm học và chương trình của Bộ GD&ĐT, chỉ đạo của UBND tỉnh. Rút kinh nghiệm từ năm học trước, địa phương đã triển khai thích ứng an toàn, hiệu quả với dịch bệnh và kiên trì bảo đảm chất lượng giáo dục. Sau Tết Nguyên đán, 100% các trường tại Quảng Nam tổ chức dạy học trực tiếp; một số lớp nhiều ca F0 thì kết hợp dạy học trực tuyến và trên truyền hình. Địa phương đã kết thúc chương trình học kỳ I vào 16/1. Học kỳ II bắt đầu từ 17/1 và dự kiến kết thúc vào 30/5.

Đại diện Sở GD&ĐT Ninh Bình cũng thông tin, địa phương bảo đảm thực hiện đúng tiến độ thời gian năm học và đã hoàn thành chương trình học kỳ I; đang triển khai chương trình học kỳ II, dự kiến sẽ hoàn thành trước 31/5.

Đặc biệt, tại Sơn La, với việc chủ động dạy tăng buổi, học 2 buổi/ngày nên đa số các trường đều dạy vượt chương trình từ 2 - 3 tuần. Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Chiến, đây là thời gian dự trữ cho trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp; nếu không sẽ dùng quỹ thời gian này để củng cố, ôn tập cho học sinh để nâng cao chất lượng.

Ảnh minh họa/INT

Tránh tính cơ học trong thực hiện chương trình

Qua tổng hợp báo cáo của 63 tỉnh, thành về tiến độ triển khai thực hiện chương trình, thực hiện các nội dung phương thức dạy học linh hoạt ở tiểu học và phát biểu của địa phương tại hội nghị, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học bày tỏ băn khoăn về việc các trường tiểu học đang tính số tuần, số tiết, số buổi học theo nội dung cốt lõi và theo hình thức học tập đã có. Như thế là đang tính cơ học về triển khai thực hiện chương trình; chưa đặt vấn đề khi triển khai dạy học trực tiếp thì cần bù đắp gì cho học sinh và theo yêu cầu cần đạt của học sinh lớp 1, 2 cần quan tâm bổ sung những gì.

Nhiều tỉnh đã vội công bố dự kiến kết thúc năm học đối với tiểu học, trong đó có cả lớp 1 và lớp 2, điều này theo ông Thái Văn Tài, cần đánh giá lại.

Công điện 136 của Bộ GD&ĐT yêu cầu, thực hiện kiên trì mục tiêu chất lượng, các địa phương linh hoạt triển khai khung kế hoạch thời gian năm học cho phù hợp. Như vậy, trên một địa bàn, trường tiểu học ở huyện này có thể kết thúc năm học sớm hơn hoặc muộn hơn ở các huyện khác. Công văn số 2345/BGDĐT-GDTH về hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường cấp tiểu học - các nhà trường phải thay đổi kịch bản và thời khóa biểu theo tuần, để phù hợp với các đối tượng học sinh: Học sinh học qua truyền hình, học trực tuyến, trực tiếp… Cùng với đó, thực hiện theo Nghị quyết 128, việc triển khai các hoạt động giáo dục tùy từng cấp độ dịch trên địa bàn; do đó chắc chắn việc kết thúc năm học không thể giống nhau.

Ông Thái Văn Tài mong muốn lãnh đạo các sở GD&ĐT yêu cầu phòng Giáo dục Tiểu học rà soát lại thật kỹ và có văn bản chỉ đạo bổ sung để các nhà trường phải ưu tiên chất lượng giáo dục theo yêu cầu cần đạt của chương trình; khẳng định lại thời gian kết thúc năm học đối với tiểu học, đặc biệt đối với lớp 1, 2 như thế nào cho phù hơp. Đồng thời, cam kết chất lượng được đánh giá, quản lý, kiểm soát theo đúng chức năng, nhiệm vụ của nhà trường, giáo viên.

Về căn cứ triển khai thực hiện, ông Thái Văn Tài cho biết: Công điện mới nhất của Bộ GD&ĐT đã khẳng định và địa phương không cần phải xin ý kiến trước khi điều chỉnh khung này với tiểu học mà chỉ báo cáo tổng hợp lên Bộ.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng đã ký Văn bản 5766/BGDĐT-GDTH, hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá học sinh tiểu học thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông ứng phó dịch Covid-19. Trong đó, nêu rõ phải tăng cường công tác quản lý trong việc xác định chất lượng của từng giai đoạn bằng các bài kiểm tra, đánh giá, thể hiện vai trò quản lý của mình ở cấp nhà trường. Phải có tương tác trực tiếp của giáo viên đối với từng học sinh, để khẳng định được học sinh đó đã đạt được chất lượng đúng theo chương trình hay chưa… Tinh thần của văn bản này, ông Thái Văn Tài cho rằng, cần được thực hiện triệt để trong học kỳ II năm học 2021 - 2022.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cân nhắc thời gian kết thúc năm học