Cần sớm xây dựng ngân hàng đề thi đáp ứng yêu cầu chương trình mới

30/11/2023, 16:46
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sau khi công bố phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Bộ GD&ĐT cần xây dựng ngân hàng đề thi đáp ứng yêu cầu chương trình mới.

Đánh giá đúng năng lực, phẩm chất người học

Năm 2025, các thí sinh sinh năm 2007 học theo chương trình mới sẽ thi tốt nghiệp THPT.
Năm 2025, các thí sinh sinh năm 2007 học theo chương trình mới sẽ thi tốt nghiệp THPT.

Chương trình GDPT 2018 đã triển khai được 4 năm với điểm khác biệt căn bản là chuyển từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực. Theo thầy Tùng, các bài kiểm tra, đánh giá của các trường, các Sở GD&ĐT với học sinh đang học chương trình, SGK mới chưa có thay đổi gì nhiều, cơ bản vẫn như cũ dẫn đến rất khó để thay đổi cách dạy, cách học.

"Do đó, Bộ GD&ĐT cần xắn tay ngay vào việc xây dựng, biên soạn ngân hàng đề thi đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. Việc làm này rất tốn thời gian, công sức, tiền bạc trong khi chúng ta chỉ còn hơn một năm cho kì thi tốt nghiệp THPT năm 2025" - thầy Trần Mạnh Tùng nói.

Bộ GD&ĐT cũng cần hướng dẫn, tuyên truyền để các Sở GD&ĐT, các nhà trường nắm được tinh thần này và đổi mới đề thi ngay từ học kỳ 1 năm học 2023-2024. Nếu đến năm 2025 mới áp dụng, học sinh tiếp cận đề thi kiểu mới thì tất cả sẽ “việt vị”.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm luôn là mối quan tâm hàng đầu của dư luận.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm luôn là mối quan tâm hàng đầu của dư luận.

Nhiều năm nay, chúng ta vẫn chủ yếu “học để thi” và “thi gì học nấy”. Để việc học có hiệu quả thì thi cử cần quay về mục đích ban đầu của nó là “học gì thi nấy”. Đây là bài toán khó nhất, song nhất định phải làm, nhiều nước tiến bộ cũng đã làm được.

Theo thầy Tùng, đầu tiên cần thay đổi dần cách đánh giá trong nhà trường, xây dựng ngân hàng đề thi để học sinh không cần học tủ, không cần luyện thi từ đó thay đổi cách dạy và cách học.

Tiếp theo, cần thay đổi nhận thức của người học, của xã hội về mục đích của việc học: Học để hiểu, học để làm được, vận dụng được, học cho bản thân mình. Đây là một quan niệm tích cực, học tập để tiến bộ chứ không phải chỉ để vượt qua một kì thi, thi xong thì … không còn gì.

Làm được như vậy thì tất cả các môn học đều quan trọng, việc học không bị phụ thuộc vào việc môn đấy thi hay không thi. Khi đó, chúng ta sẽ xây dựng được một xã hội học tập đúng nghĩa. Đây là trọng trách của ngành giáo dục nhưng cũng cần sự tham gia của các lực lượng khác để, làm mạnh mẽ. Đây là cơ hội để “thay đổi căn bản, toàn diện giáo dục nước nhà”.

Cô Nguyễn Thị Bích Loan - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) cho rằng, lựa chọn phương án ít môn sẽ tiết kiệm chi phí cho việc tổ chức kì thi. Hai năm học 2022-2023 và 2023-2024, toàn ngành Giáo dục đang dạy theo Chương trình GDPT 2006 và Chương trình GDPT 2018, giáo viên cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận chương trình mới và đầu tư nhiều công sức hơn. Tuy nhiên, nhà trường đã xác định tinh thần này ngay từ những ngày đầu, toàn bộ CBGVNV đều cố gắng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/can-som-xay-dung-ngan-hang-de-thi-dap-ung-yeu-cau-chuong-trinh-moi-post662920.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/can-som-xay-dung-ngan-hang-de-thi-dap-ung-yeu-cau-chuong-trinh-moi-post662920.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần sớm xây dựng ngân hàng đề thi đáp ứng yêu cầu chương trình mới