Phân tích về tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, ông Khoa cho biết, khi có quá nhiều thương nhân tham gia vào quá trình phân phối nguồn sẽ xảy ra tình trạng tăng/giảm giá bán bất thường, gây rối loạn thị trường.
Theo ông Khoa, đặc thù của thị trường LPG là giá bán được điều chỉnh hàng tháng và Nhà nước không can thiệp vào giá bán của thương nhân. Do đó, khi giá LPG thế giới có xu hướng giảm mạnh sẽ xảy ra tình trạng bán tháo hàng, cắt lỗ và ngược lại.
Điều này ảnh hưởng rất lớn đến các thương nhân có đầu tư cơ sở vật chất như kho cảng, trạm chiết, sở hữu thương hiệu chai LPG và có hệ thống phân phối do giá mua/bán trên thị trường liên tục tăng giảm một cách bất hợp lý.
Ông Khoa cho rằng, nếu theo quy định tại dự thảo thì thương nhân xuất nhập khẩu LPG sẽ không thể hiện được vai trò của thương nhân đầu mối trong chuỗi hệ thống phân phối LPG từ khâu đầu đến khâu cuối do không cần phải tham gia bán lẻ chai LPG.
Còn đối với việc kinh doanh LNG, dự thảo không quy định về công suất bồn chứa LNG nên việc trở thành thương nhân đầu mối xuất nhập khẩu LNG sẽ dễ dàng hơn vì có thể thuê các bồn chứa nhỏ có dung tích khoảng 40 - 50 m3. Như vậy, thương nhân xuất nhập khẩu LNG không thể hiện được vai trò của thương nhân đầu mối cung cấp nguồn.
Đại diện PV GAS kiến nghị bổ sung các vướng mắc nêu trên với dự thảo và đề xuất thương nhân xuất nhập khẩu khí phải sở hữu cơ sở vật chất (có kho/bồn chứa), đề nghị Bộ Công Thương có quy định về công suất tối thiểu đối với bồn chứa LPG và LNG.
Đối với thương nhân xuất nhập khẩu LPG, ngoài việc phải sở hữu bồn chứa LPG thì phải tham gia trực tiếp vào khâu kinh doanh bán LPG chai (sở hữu chai LPG, thương hiệu riêng) và có hệ thống phân phối.
Ông Trần Minh Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam đã ghi nhận ý kiến đóng góp của doanh nghiệp và tổng hợp báo cáo gửi đại diện Bộ Công Thương trình Chính Phủ.