Cần tháo gỡ ngay những bất cập trong thực thi Luật Di sản văn hóa

Minh Khánh | 15/01/2022, 14:55
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Ngày 12/1, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị - Hội thảo tổng kết thực hiện Luật Di sản văn hóa.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

anh63043305pm.jpg
Các đại biểu tại Hội thảo, Hội nghị.

Luật Di sản văn hóa có hiệu lực thi hành từ năm 2002 và được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009. Sau 20 năm thực thi Luật Di sản văn hóa, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được quan tâm, đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế đang diễn ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập cả về nội dung và hình thức trong từng lĩnh vực cụ thể.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Việc tổng kết, đề xuất xem xét sửa đổi Luật Di sản văn hóa là yêu cầu tất yếu, là vấn đề lớn và hệ trọng. Với mục tiêu trình Quốc hội xem xét Luật về Di sản Văn hóa trong năm 2022 hoặc 2023, Bộ trưởng cho rằng, trước hết phải nhận thức đúng, đủ, sâu về các quan điểm của Đảng liên quan đến lĩnh vực này. Việc đề xuất sửa đổi cần cập nhật những luận điểm mới mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định về Luật Di sản văn hóa đồng thời kế thừa các nghị quyết chuyên đề của Trung ương và Bộ Chính trị về di sản.

Di sản văn hóa cần phải được gắn kết với cộng đồng, là cốt lõi của bản sắc dân tộc và cơ sở sáng tạo những giá trị mới để giao lưu văn hóa. Cần nâng cao nhận thức và thể chế hóa, bám sát các quan điểm chỉ đạo cũng như tiếp cận ở góc độ bảo vệ và phát huy giá trị di tích, di sản, để hệ giá trị di tích di sản thực hiện vai trò dẫn dắt, quảng bá, thương hiệu khẳng định hồn cốt dân tộc. Bên cạnh đó, cần tạo ra mối quan hệ tương thích, đồng bộ giữa Luật Di sản văn hóa và các bộ luật khác để tạo động lực cho sự phát triển.

Các nhà khoa học, chuyên gia, các đại biểu địa phương tham gia hội nghị bày tỏ mong muốn trong thời gian tới Luật di sản văn hóa tiếp tục được sửa đổi, bổ sung là hết sức cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội; điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

GS Nguyễn Anh Trí (ĐBQH Khóa XV, người sáng lập Trung tâm, công viên và bảo tàng di sản các nhà khoa học Việt Nam) lưu ý, cần chú trọng khía cạnh di sản phải tạo được những hiệu quả kinh tế. Điều quan trọng là làm cho các di sản phát huy và lan tỏa giá trị, mang hiệu quả kinh tế nhưng vẫn cần phải bảo tồn nguyên vẹn, không bị xâm phạm giá trị nguyên gốc.

Đóng góp ý kiến tham luận, bà Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái chia sẻ về công tác quản lý, bảo vệ, phát huy các giá trị di sản trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đề nghị Bộ nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh và hướng dẫn chi tiết để địa phương hướng dẫn người dân hoạt động sản xuất trong vùng di tích vừa bảo đảm cuộc sống, vừa bảo vệ nâng cao phát huy giá trị di tích. Đây cũng là thực trạng nhiều địa phương gặp phải, gây ra một số khó khăn trong quản lý và bảo vệ giá trị di tích, di sản.

Bài liên quan
Quỹ bảo tồn và cơ hội để Huế kịp thời “cứu” di sản
Mới đây, Quỹ bảo tồn di sản Huế được Quốc hội thông qua, là cơ hội để Thừa Thiên - Huế linh hoạt trong việc “cứu” các di sản quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần tháo gỡ ngay những bất cập trong thực thi Luật Di sản văn hóa