Nguyên nhân lớn nhất chính là kinh phí. Khi di tích cần trùng tu thì không có vốn. Đến khi có vốn thì phải qua hàng trăm bước, từ đề xuất, xin ý kiến, khảo sát, kiểm kê, ra phương án, phê duyệt, họp hội đồng… và tiến hành trùng tu - khi di tích đã hoang hoá, rơi rụng.
Trước đây, có rất nhiều địa phương muốn ủng hộ kinh phí giúp Huế trong việc trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa. Nhưng theo quy định của Luật ngân sách, không được dùng ngân sách cấp mình quản lý để hỗ trợ cho ngân sách tỉnh khác. Bởi vậy, Huế phải chối từ ý tốt của các địa phương.
Hay như việc mua lại cổ vật cố đô Huế đang lưu lạc ở nước ngoài. Nếu theo cơ chế cũ, rất khó thực hiện vì sự phức tạp, loằng ngoằng trong thủ tục hành chính. Huế không thể vừa tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài, vừa gọi điện xin ý kiến các cơ quan để phê duyệt giá.
Quỹ bảo tồn di sản Huế với cơ chế vận hành linh hoạt, chắc chắn sẽ làm tốt chức năng bảo tồn cũng như giải quyết các việc cấp bách trong lĩnh vực di sản văn hoá. Tuy nhiên, để đảm bảo các quy định và minh bạch, Huế cần một hội đồng chuyên môn để vận hành hiệu quả nguồn quỹ này.
Di tích nào cũng vậy, luôn phải “chạy đua” với thời gian và sự bào mòn khủng khiếp của thời tiết. Nếu không kịp thời, rất có thể sẽ không “cứu” nổi di sản.
Nhưng di sản ở nước ta, thì tỉnh thành nào cũng có, và cấp thiết bảo tồn. Hi vọng trong tương lai, quỹ bảo tồn di sản sẽ trở thành cơ chế chung để di sản văn hoá còn mãi với thời gian.