Trả lại nguyên trạng – theo người dân Đường Lâm, cũng như giới bảo tồn di tích thì đây là việc không hề dễ dàng. Đoàn làm phim có thể tẩy hết màu sơn, nhưng làm sao có thể giữ lại vẻ phong rêu tự nhiên mà phải mất hàng trăm năm mới có được?.
Vi phạm Luật Di sản đã không còn là chuyện lạ ở nước ta. Đáng buồn là việc xâm hại và phá hoại di tích lại đến từ những người có văn hoá, thậm chí là từ cấp có thẩm quyền trong hoạt động văn hoá.
Làm phim là một hoạt động văn hoá, không thể nói đoàn làm phim không biết gì về văn hoá, không hiểu gì về di sản. Việc tự ý bôi trát màu mè, làm biến dạng di tích lại hoàn toàn trái ngược với cái danh và trách nhiệm của những người làm phim.
Thế nhưng điều lạ hơn mà dư luận thấy, là sự việc mới đang dừng lại ở biên bản, chưa có hướng xử lý, xử phạt rõ ràng. Trong khi đó, Nghị định số 38/2021/NĐ-CP đã quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa. Theo đó, Điều 20 - Vi phạm quy định về bảo vệ di sản văn hóa: Phạt tiền từ 1 – 3 triệu đồng đối với hành vi viết, vẽ, làm bẩn, làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Nếu không xử lý theo luật định, rất có thể sẽ tạo ra những tiền lệ xấu. Rồi đây, đoàn làm phim khác đến Đường Lâm hoặc một khu di tích nào đó, không cần xin phép và thản nhiên tô vẽ lên di sản.
Và nếu có phạt, thì với mức từ 1 – 3 triệu đồng, sẽ chẳng thấm vào đâu so với lợi nhuận mà đoàn làm phim thu được. Với mức phạt này, bất kỳ đoàn phim nào cũng sẵn sàng tô bẩn di tích – nếu cần. Đau nhất và thiệt nhất vẫn là di tích.
Phim hài là để tạo ra tiếng cười, nhưng họ đang tạo ra tiếng khóc. Làm phim là hướng đến cái đẹp, nhưng họ đã để lại tiếng xấu.