Đồng quan điểm, ông Lê Tuấn Tứ - đại biểu Quốc hội khoá XIV trao đổi: Việc xây dựng Luật Nhà giáo đã được nhiều đại biểu trao đổi ở nhiều kỳ họp của Quốc hội khoá XIV, nhưng đến nay vẫn chưa được thống nhất.
Mong rằng, ở kỳ họp sắp tới, Quốc hội khoá XV tiếp tục thảo luận, cho ý kiến về việc xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo, đáp ứng mong mỏi của đội ngũ giáo viên nói riêng và những người làm trong ngành Giáo dục nói chung.
Ông Tứ viện dẫn, lao động của nhà giáo đang được điều chỉnh bằng Luật Công chức, luật Viên chức. Tuy nhiên, những luật này đề cập đến đội ngũ công chức, viên chức nói chung, chưa giải quyết được tính đặc thù nghề nghiệp nhà giáo.
Theo ông Tứ, hiện chúng ta đã có Luật Giáo dục, nhưng đây là luật khung cho lĩnh vực giáo dục nên không thể giải quyết hết các vấn đề liên quan đến đội ngũ. Thứ nữa, làm giáo dục phải là những người tâm huyết, trách nhiệm, nhất là với những giáo viên dạy ở bậc mầm non và phổ thông. Vì thế, cần có hành lang pháp lý để giáo viên thật sự yên tâm công tác và dành hết tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước nhà.
Ông Tứ cho rằng, nếu có Luật Nhà giáo sẽ tháo gỡ được nhiều vấn đề, ở đó sẽ không phân biệt công – tư, bởi dù là giáo viên trường công lập hay ngoài công lập thì tất cả đều vì sự nghiệp trồng người. Do đó, cần tạo cơ chế bình đẳng và tạo sự liên thông giữa giáo viên công lập và ngoài công lập.
Ngoài ra, ban hành Luật Nhà giáo sẽ giải quyết các vấn đề liên quan đến đội ngũ, cơ chế chính sách, thừa thiếu giáo viên… cho đến những chế tài xử lý vi với những nhà giáo vi phạm pháp luật.
Tại hội thảo tham vấn chuyên gia về đề xuất xây dựng Luật điều chỉnh về nhà giáo được Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý (Bộ GD&ĐT) phối hợp với Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức mới đây, hầu hết các đại biểu đều thống nhất về tính cấp thiết của việc xây dựng Luật Nhà giáo trong bối cảnh hiện nay.
Các đại biểu cho rằng, nhà giáo là đối tượng lao động đặc thù, vì vậy bên cạnh các quy định chung đối với viên chức, cần nhìn vào đặc thù lao động sư phạm của nhà giáo để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, góp phần phát triển kinh tế xã hội.
Ngoài ra, hiện có không ít nhà giáo là người nước ngoài đã và đang tham gia các hoạt động giáo dục tại Việt Nam nhưng các quy định về chế độ cho các nhóm đối tượng này chưa cụ thể và phần nào nó chưa thể hiện trong một văn bản luật thống nhất… Vì thế, nếu có Luật Nhà giáo thực trạng này sẽ được giải quyết thấu đáo.
Hiện cả nước có gần 1,5 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục từ mầm non cho đến đại học. Mới đây, Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội đã kiến nghị đưa Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng luật sắp tới của Quốc hội. Ông Nguyễn Đắc Vinh – Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục đề nghị, Bộ GD&ĐT rà soát, tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện các văn bản pháp luật về nhà giáo, đặc biệt xây dựng Luật Nhà giáo, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trong thời kỳ mới.