UBND huyện Hoa Lư đã ban hành kế hoạch tổ chức Hội thảo 'Phát huy văn hóa, lối sống Tràng An trong xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ'.
Cho đến nay, vẫn thật khó để giải thích thỏa đáng nguồn gốc người Tràng An trong câu ca dao: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.
Mới đây, UBND huyện Hoa Lư (Ninh Bình) đã ban hành kế hoạch tổ chức Hội thảo “Phát huy văn hóa, lối sống Tràng An trong xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ”.
Hội thảo tập trung làm rõ đặc trưng của văn hóa, lối sống Tràng An; nguồn gốc và sự phát triển; “văn hóa Tràng An” trong tiến trình lịch sử dân tộc… Đặc biệt là các giá trị văn hóa phản ánh tư tưởng, sắc thái, bản tính làm nên hồn cốt, phẩm chất của người Tràng An.
Theo dự kiến, hội thảo sẽ được tổ chức vào cuối tháng 8 với sự góp mặt của đông đảo giới chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý. Hội thảo cũng nhằm xác định các giải pháp bảo tồn và phát huy văn hóa, lối sống Tràng An trong xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ.
Đặc biệt, hội thảo là dịp để làm rõ mối quan hệ giữa “văn hóa Tràng An” với “văn hóa Cố đô Hoa Lư” trong nhà nước Đại Cồ Việt - Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của nước ta. Tiền đề và giải pháp phát huy các giá trị độc đáo riêng, có tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh của “văn hóa Tràng An” để xây dựng thương hiệu, xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ.
Trên cơ sở đó nhằm đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc “văn hóa Tràng An”, phục vụ xây dựng, kiến thiết thành phố Hoa Lư sau sắp xếp đơn vị hành chính với đặc trưng “đô thị di sản thiên niên kỷ”.
Đến nay, Ninh Bình là địa phương duy nhất của nước ta cũng như Đông Nam Á sở hữu di sản hỗn hợp Quần thể danh thắng Tràng An với giá trị nổi bật toàn cầu. Đó là thế mạnh khác biệt của du lịch Ninh Bình.
Nếu như ở thời điểm lập hồ sơ đề cử (2012), Ninh Bình chỉ có khoảng 1 triệu lượt khách, thì sau 5 năm được công nhận, tỉnh này đã thu hút trên 6,3 triệu lượt khách. Trong 6 tháng đầu năm 2024, số lượt khách đến tham quan tại các điểm du lịch tại Ninh Bình ước đạt gần 6,3 triệu lượt khách, với doanh thu gần 6.000 tỷ đồng.
Sau 10 năm di sản Tràng An được vinh danh, không chỉ mang lại giá trị kinh tế lớn, mà còn góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa và con người Việt Nam đối với du khách quốc tế.
Nhằm đánh thức di sản và khai thác hơn nữa thế mạnh từ di sản, mới đây Ninh Bình đã tổ chức Hội thảo “Quản lý và phát triển thành phố di sản cố đô sở hữu danh hiệu UNESCO - Nhận thức lý luận, kiến tạo thể chế và hành động địa phương” hướng tới việc xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ.
Ông Đoàn Minh Huấn - Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình khẳng định: Lựa chọn con đường phát triển xây dựng đô thị di sản cố đô, thể hiện sức mạnh mềm, kết hợp giữa bảo vệ di sản và các nguồn lực văn hóa trên cơ sở phát huy các giá trị Di sản thế giới Tràng An là lợi thế căn bản, nguồn lực, động lực chủ yếu…
Trở lại hội thảo sắp tới trong việc làm rõ mối quan hệ giữa “văn hóa Tràng An” với “văn hóa Cố đô Hoa Lư”, một số nhà nghiên cứu cho rằng câu ca dao: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” chính là nói về người Trường Yên của Hoa Lư xưa, chứ không hoàn toàn theo cách hiểu ngày nay, khi nói về người Thăng Long - Hà Nội.
Trong khi nhiều người nghiêng về ý nghĩa “người Tràng An là người Hà Nội”, thì cũng không ít người cho rằng “người Tràng An là người Trường Yên”. Bởi vậy, cho đến nay, vẫn thật khó để đưa ra đáp án thỏa đáng để giải thích cặn kẽ nguồn gốc “người Tràng An” được nhắc tới trong câu ca dao.
Một số giả thuyết cho rằng, hoa nhài được hiểu sâu xa là thuộc tầng lớp trên, nguồn gốc quyền quý, là hình tượng để so sánh với thân phận người Tràng An. Quay trở lại năm 968, động Hoa Lư được vua Đinh Tiên Hoàng chọn làm kinh đô. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” cũng chép: “Vua (Lý Thái Tổ) thấy thành Hoa Lư ẩm thấp chật hẹp, không đủ làm chỗ của đế vương, muốn dời đi nơi khác”.
Nguồn chính sử cũng chép rằng, sau khi rời đô từ Hoa Lư ra Đại La, đặt kinh đô mới là Thăng Long, vua Lý Thái Tổ đã đổi tên thành Hoa Lư là phủ Trường Yên (được hiểu là Trường An, Tràng An). Trước đó, đời Tiền Lê gọi là châu Trường Yên, đầu đời Trần gọi là lộ, sau đổi là trấn, đến thời thuộc Minh lại gọi là châu Trường Yên.
Là người ở trong núi, trong động, có thể khi vua Lý Thái Tổ dời đô đã dẫn theo toàn bộ gia quyến, quan viên triều đình và một phần dân cư cố đô ra Thăng Long. Với đặc tính là người trong núi, có thể chưa có sự thanh lịch như cư dân phố thị Đại La. Bởi vậy, cũng khó tránh khỏi những so sánh, đánh giá của cư dân Thăng Long.
Theo một phân tích của nhà văn Nguyễn Hồng Thái, rất có thể người dân Đại La khi nhìn vào phong thái của người Hoa Lư mới đặt chân đến đã đưa ra những bình phẩm hoặc chê bai nhẹ nhàng, như: Không hào hoa, không thanh lịch.
Vì thế mà rất có thể người Hoa Lư đã phản ứng bằng câu: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Câu này theo cách hiểu trong dân gian có thể là: Chúng tôi không sang trọng, nhưng dẫu sao cũng thuộc dòng dõi cao sang của vua Lý Thái Tổ. Chúng tôi không thanh lịch, nhưng dẫu sao cũng thuộc người Tràng An, người của kinh đô cũ, người của vua.
Theo giới chuyên gia, Quần thể danh thắng Tràng An là danh lam độc đáo và đặc biệt hơn, khi gắn liền với quá trình quần tụ của cư dân trên mảnh đất này từ hàng vạn năm trước. Để đánh thức tính độc đáo của di sản này, cần tập trung khai thác khía cạnh đời sống của cư dân Tràng An và nền văn hóa Tràng An có cội nguồn sâu sắc, ghi dấu ấn vào chủ quyền và độc lập hơn 1.000 năm trước.