Trường PTDTBT Tiểu học Cốc Ly 1 (Bắc Hà, Lào Cai) là một trong những đơn vị trường phát triển mạnh mô hình nông trại trong trường. Do đó, dù bữa ăn bán trú trong bối cảnh giá cả tăng cao thì học sinh vẫn có suất ăn đủ lượng và chất. Thậm chí từ nguồn lương thực, thực phẩm do học sinh và giáo viên tăng gia sản xuất được, nhà trường không dùng hết, còn bán ra ngoài lấy tiền hỗ trợ văn phòng phẩm, đồ dùng sinh hoạt cho trò.
Thầy Nguyễn Tiến Tùng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Thời tiết khí hậu thuận lợi nên một số loại rau củ quả trồng trong vườn trường cho năng suất tốt, như quả su su, bắp cải, su hào, rau cải. Bếp ăn mua lại với giá rẻ, đảm bảo nguồn thực phẩm. Bên cạnh đó, trường còn nuôi được lợn, gà, ngan… nên việc thay đổi món ăn, thực phẩm các bữa ăn trong tuần diễn ra thường xuyên...
“Huyện Si Ma Cai có 26 trường PTDTBT và trường có học sinh bán trú với gần 4.000 học sinh. Số lượng học sinh bán trú đông nên việc đảm bảo bữa ăn trong bối cảnh giá cả tăng… được phòng Giáo dục xác định là nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo công tác bán trú, sức khỏe học sinh, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục…”, bà Oanh khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Si Ma Cai (Lào Cai), cho rằng trong bối cảnh giá cả lên cao mà định mức bán trú cho học sinh chắc chắn ảnh hưởng ít nhiều tới bữa ăn. Tuy nhiên, để đảm bảo chất và lượng bữa ăn, ngành Giáo dục Si Ma Cai đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát, hướng dẫn các nhà trường trong khâu thực hiện.
Một mặt, phòng không quy định thực đơn cứng hàng ngày nhưng yêu cầu các nhà trường cân đối đảm bảo dinh dưỡng (dù số lượng có ít đi). Mặt khác, khuyến khích trường có điều kiện trồng rau xanh, tăng gia sản xuất để tiết kiệm và tăng cường khẩu phần ăn cho trò. Đặc biệt, phòng Giáo dục sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất, lồng ghép kiểm tra chuyên ngành. Yêu cầu các trường công khai số lượng, loại thực phẩm từng bữa ăn để có thể so sánh đối chiếu kết quả…
Tỉnh Tiền Giang hiện có 208 cơ sở giáo dục có bếp ăn tập thể, trong đó, 178 bếp ăn tại trường mầm non công lập, 29 bếp ăn tại trường tiểu học, 1 bếp ăn tại trường THCS. Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên các trường học của tỉnh thực hiện Nghị quyết 01/2022 của HĐND tỉnh quy định khoản thu và mức thu, cơ chế thu - chi các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục.
Bếp ăn Trường TH Ngô Quyền, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ). Ảnh: NTCC |
Theo đó, đối với học sinh mầm non, mức thu tiền bán trú là 279.000 - 304.000 đồng/học sinh/tháng; tiểu học 184.000 - 216.000 đồng/tháng; THCS 163.000 - 188.000 đồng/tháng. Tổ chức bữa ăn do ban giám hiệu trường quản lý, chịu trách nhiệm từ khâu thiết kế thực đơn, mua thực phẩm cho đến chế biến món ăn.
Đầu năm học, Sở GD&ĐT Tiền Giang có văn bản hướng dẫn nhà trường thực hiện tổ chức học bán trú. Theo đó, ngoài các khoản thu được quy định tại Nghị quyết số 01, các trường thực hiện vận động xã hội hóa giáo dục theo quy định của pháp luật để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em, học sinh. Việc thu - chi phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, thu đủ chi, mang tính chất phục vụ, không phải kinh doanh, đảm bảo công khai, dân chủ.
Theo ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang, thực hiện Nghị quyết số 01 của HĐND tỉnh, ngành GD-ĐT có hướng dẫn từ đầu tháng 9. Trên cơ sở đó, các trường nhanh chóng đưa hoạt động bán trú đi vào nền nếp nhằm đáp ứng yêu cầu, tạo sự đồng thuận từ phía phụ huynh. Đối với công tác bán trú, các cơ sở giáo dục tuân thủ nghiêm ngặt quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm; chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh, bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh...
Năm học 2022 - 2023, TP Cần Thơ có 171 trường mầm non, 169 trường tiểu học với khoảng 51.111 trẻ mầm non và 99.091 học sinh tiểu học. Trong đó có gần 34.000 học sinh tiểu học và hơn 42.000 trẻ mầm non đăng ký bán trú. Các trường có đủ các điều kiện tổ chức bán trú xây dựng kế hoạch tổ chức phù hợp thực tế và trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh học sinh.
Theo cô Mạch Lệ Xuân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), năm học 2022 - 2023, trường có 2.010 học sinh với 56 lớp học; trong đó có 1.861 học sinh đăng ký ăn bán trú. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất cũng như nhân sự để đảm bảo công tác bán trú. Sau đó, trường tổ chức họp phụ huynh và đăng ký bán trú cho các em trên tinh thần tự nguyện.
Chị Ôn Thị Lý, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học xã Thanh Vân (Quản Bạ, Hà Giang), khẳng định: Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nếu nhà trường huy động, gia đình cũng sẵn sàng hỗ trợ. Đóng góp có thể bằng củi, rau xanh, ngô, lạc… những nông sản mà gia đình sản xuất được. Chung tay cùng nhà trường đảm bảo bữa ăn bán trú cũng là trách nhiệm của gia đình để mang lại sức khỏe tốt hơn cho học sinh…
Nhiều năm nay, với chế độ bán trú và tăng cường nguồn thực phẩm từ mô hình nông trại đã giảm tình trạng học trò bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân/thấp còi. Thậm chí, gạo ăn được cấp theo chỉ tiêu, học sinh không dùng hết nhà trường trả lại cho phụ huynh vào cuối năm học... Bữa ăn bán trú bảo đảm hơn ở gia đình nên trẻ tới trường khá đều đặn, không còn tình trạng, nghỉ bỏ học…”. - Thầy Nguyễn Tiến Tùng