Tuyển sinh - du học

Cảnh báo gian lận thi cử bằng AI và thiết bị công nghệ siêu thông minh

27/05/2025 15:52

"Việc sử dụng AI hiện rất phổ biến, nếu không kiểm tra kỹ lưỡng có thể thí sinh cố tình mang thiết bị vào nhà vệ sinh".

Thông tin vừa được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đưa ra tại Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, ngày 27/5 tại Hà Nội.

Gian lận xảy ra ở cả thí sinh và giáo viên

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, việc sử dụng AI hiện rất phổ biến. Trong kỳ thi, theo quy định thí sinh không được mang tài liệu vào khu vực thi nhưng nếu kiểm tra không kỹ lưỡng, có thể có trường hợp cố tình mang thiết bị vào khu vệ sinh. Các em để điện thoại trong khu vệ sinh và tìm cách lén sử dụng.

"Do vậy, trong kỳ thi năm nay, phải tính đến việc rà soát khu vực nhà vệ sinh trong điểm thi, thậm chí cử giám thị giám sát cả khu vệ sinh để ngăn ngừa. Một sơ suất của cán bộ giám sát và một hành động cố ý của thí sinh, đề thi có nguy cơ bị lộ lọt ra ngoài", ông Thưởng cảnh báo.

screen-shot-2025-05-27-at-15.07.00.png
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng (Ảnh: Mỹ Hà).

Cũng theo Thứ trưởng, yêu cầu chung của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay và những năm trước là tổ chức an toàn, nghiêm túc, công bằng, hiệu quả, đúng quy chế, giảm áp lực, giảm tốn kém, đảm bảo độ tin cậy, đảm bảo chất lượng.

Thứ trưởng nhắc lại quan điểm "4 đúng", "3 không", trong đó "4 đúng" là: đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng và đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm để kịp thời xử lý tình huống, sự cố bất thường;

"3 không" là: không lơ là, chủ quan; không căng thẳng, áp lực thái quá; không tự ý xử lý tình huống, sự cố bất thường, đã được quán triệt quyết liệt trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và nhấn mạnh, đây vẫn là tinh thần của kỳ thi năm 2025.

Ông đồng thời đề cập thêm "2 phát huy" cần được làm tốt trong kỳ thi năm nay, đó là phát huy tinh thần trách nhiệm, chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng chỉ đạo, lực lượng tham gia tổ chức kỳ thi và phát huy ý thức tự giác, tuân thủ quy chế của thí sinh.

"Chúng ta không quá cường điệu hóa, không quá căng thẳng nhưng phải lường trước mọi tình huống có thể xảy ra. Cán bộ thanh tra phải nắm chắc quy chế bởi có thể có những khoảng mờ của quy chế chưa phủ hết.

Khi có sự cố xảy ra, thanh tra phải xử lý ngay, không để khủng hoảng truyền thông, không ảnh hưởng đến thí sinh", Thứ trưởng nói.

Tại Hội nghị, Đại tá, TS Phạm Long Âu, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật Nghiệp vụ (Bộ Công an), cho hay việc gian lận có thể xảy ra ở cả giáo viên và thí sinh.

Trong đó, thí sinh dùng những thiết bị siêu nhỏ để gian lận thi cử rất khó phát hiện. Đặc biệt, năm nay còn có cả nhẫn thông minh với kích thước lớn hơn nhẫn bình thường, nhằm lưu giữ các cơ quan máy móc bên trong nhằm gian lận.

Đối với giáo viên, việc gian lận thường diễn ra qua việc sửa điểm thi, nâng điểm…, để thu lợi bất chính.

"Việc thí sinh sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận hoặc thầy cô can thiệp nhằm nâng sửa điểm rất ảnh hưởng đến tính minh bạch, đặt ra thách thức lớn cho kỳ thi", Đại tá, TS Phạm Long Âu nói.

Cảnh báo gian lận thi cử bằng AI và thiết bị công nghệ siêu thông minh - 2
Đại tá, TS Phạm Long Âu, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật Nghiệp vụ (Ảnh: Nguyễn Mạnh).

Sáp nhập thanh tra không làm ảnh hưởng kỳ thi

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, các điểm thi phải phân công rõ người, rõ việc, không để có khoảng trống, với phương châm thanh kiểm tra đi trước với tính chất phòng ngừa, ngăn chặn.

Công tác thanh tra phải thực chất, không hình thức, không qua loa đại khái, tất cả đều phải có ý thức bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ có thể gây hậu quả lớn.

Thứ trưởng lưu ý, năm nay số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT tăng lên khoảng 100.000 em nên công tác kiểm tra phải chu đáo, yêu cầu cao và hiệu quả hơn.

Việc Thanh tra Bộ GD&ĐT sáp nhập với Thanh tra Chính phủ đã được tiến hành theo lộ trình nhưng công tác thi cử vẫn được thực hiện theo chức năng.

Theo đó, UBND cấp tỉnh, thành phố chỉ đạo thanh tra tỉnh xây dựng kế hoạch thanh kiểm tra. Bộ GD&ĐT vẫn sử dụng đội ngũ thanh tra đến hết thời điểm có hiệu lực, theo đúng nội dung quy định.

Lưu ý về công tác thanh tra cho kỳ thi, GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, cho biết điểm khác biệt năm nay, các điểm thi có hai đối tượng thí sinh theo hai chương trình dự thi (thí sinh chương trình 2018 và thí sinh theo chương trình cũ).

"Mặc dù có 25.000 thí sinh chương trình cũ sẽ dự thi nhưng qua khảo sát của Bộ GD&ĐT, hầu hết các điểm thi đều tổ chức riêng cho đối tượng này nên việc thanh tra phải rất cẩn trọng, tránh nhầm lẫn.

Đội ngũ thanh tra phải nghiên cứu kĩ cả hai quy chế 2018 và 2006. Thí sinh dự thi theo chương trình 2018 sẽ khác biệt những năm trước bởi trong phòng thi có nhiều môn thi nên nhiều mã đề, gây khó khăn cho đội ngũ cán bộ coi thi", ông Chương cho hay.

So với năm ngoái, số thí sinh tăng từ 1,06 triệu lên trên 1,1 triệu. Từ ngày 21/4 đến ngày 28/4, thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, trước đó thí sinh có 4 ngày để đăng ký thử.

Thí sinh sử dụng thông tin mã định danh trên VNEID để đăng ký trực tuyến tại trường THPT, không cần cung cấp thêm giấy tờ khác.

Các Sở GD&ĐT, trường THPT cần hướng dẫn thí sinh kiểm tra, đối chiếu chéo thông tin đăng ký dự thi. Khi đăng ký, thí sinh phải chọn chương trình. Đây là thông tin quan trọng, làm căn cứ sắp xếp địa điểm, bố trí phòng, đề thi cho các thí sinh.

Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/giao-duc/canh-bao-gian-lan-thi-cu-bang-ai-va-thiet-bi-cong-nghe-sieu-thong-minh-20250527115856812.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/giao-duc/canh-bao-gian-lan-thi-cu-bang-ai-va-thiet-bi-cong-nghe-sieu-thong-minh-20250527115856812.htm
Bài liên quan
Khác biệt trong tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018 và 2006
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tổ chức cho 2 đối tượng thí sinh: Thi theo Chương trình GDPT 2018 và thi theo Chương trình GDPT 2006.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảnh báo gian lận thi cử bằng AI và thiết bị công nghệ siêu thông minh