Cảnh báo về mua đồ điện tử secondhand gặp nhiều rủi ro

Hà Phương | 19/10/2023, 06:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Mặc dù tại Việt Nam xuất hiện nhiều mặt hàng điện tử mới với giá “cực mềm”, nhưng nhiều khách hàng vẫn săn lùng hàng “Nhật bãi” với giá không hề rẻ. Những các sản phẩm đó đã qua sử dụng nên nhiều rủi ro về chất lượng?

mua-do-nhat-bai.png
Cảnh báo về mua đồ điện tử secondhand - hàng "Nhật bãi "gặp nhiều rủi ro về chất lượng.

Xu hướng mua đồ "Nhật bãi"

Từ những năm 90, người Việt đã rất ưa chuộng hàng Nhật. Mỗi gia đình cố gắng “tậu” cho mình một chiếc tivi, xe máy, hay tủ lạnh “made in Japan”. Bởi lẽ, về chất lượng, ít có quốc gia đề cao tuyệt đối tính ổn định về chất lượng hơn Nhật Bản. Chất lượng của sản phẩm được coi là danh dự quốc gia của Nhật Bản.

Tuy nhiên, hàng Nhật Bản cũng có hàng nội địa và hàng nhập khẩu. Hàng Nhật nội địa là các sản phẩm được sản xuất riêng cho thị trường Nhật Bản. Còn hàng nhập khẩu là các sản phẩm sản xuất tại Nhật, để xuất đi các nước khác trên thế giới.

Người Nhật nổi tiếng khó tính, cẩn trọng, yêu cầu khắt khe về chất lượng và thẩm mỹ của sản phẩm. Do đó, hàng Nhật nội địa thường có giá cao hơn so với hàng xuất khẩu đi các nước khác. Nếu đã “săn” hàng Nhật thì nhiều người sẽ “săn” hàng nội địa chứ không săn hàng xuất.

Ngày nay, thay vì phải ra cửa hàng lựa chọn thì người tiêu dùng có thể mua hàng secondhand Nhật Bản tại các trang mạng xã hội, hoặc các sàn thương mại điện tử như muare, shopee, sendo...

Chỉ cần gõ từ khóa “hàng Nhật nội địa”, “hàng Nhật bãi”, là có thể tìm thấy đủ loại các mặt hàng từ đồ điện tử như điều hòa, máy giặt, nồi cơm điện, tủ lạnh, quạt, lò vi sóng, ... của các thương hiệu lớn như Toshiba, Sharp, Panasonic, National, Fujisu, Hitachi, Sanyo, Mitsubishi... Chủ hàng cam kết hàng có độ mới 95-99%, cam kết hàng Nhật 100%.

Bạn T.T.T (Hà Nội) chia sẻ: “Gia đình tôi rất thích dùng đồ dùng nội địa của Nhật vì bền, tiết kiệm điện và có nhiều tính năng. Chẳng hạn, một chiếc nồi cao tần có thể nấu nhanh, nấu cực ngon, nấu cháo, nấu xôi, nấu gạo lứt, nấu cơm cháy, hẹn giờ tiết kiệm 65% điện năng; máy lạnh có chế độ tự vệ sinh; còn bếp từ có loại kết hợp thêm hồng ngoại; lò nướng hay bếp gas có lò nướng tích hợp bên dưới...

Theo một chủ hàng “bãi” ở phố Huế (Hà Nội), hàng Nhật chủ yếu được nhập từ nước ngoài. Đa số hàng còn mới, thậm chí có đồ mới chỉ sử dụng từ 2-3 năm, chất lượng còn khá tốt.

Tuy nhiên, đồ “bãi” là hàng cũ, đã qua sử dụng nên vẫn có xác xuất rủi ro như hỏng linh kiện, lắp ráp không đồng bộ. Hầu hết đồ “bãi” về đến Việt Nam đều đã qua sửa chữa, sơn mới nên rủi ro hàng tốt, hàng xấu là rất cao.

Người tiêu dùng nên chủ động tìm hiểu và lựa chọn cơ sở có uy tín để mua đồ secondhand. Tốt nhất nên mua những món đồ đảm bảo an toàn, tránh sự cố cháy nổ, ảnh hưởng sức khỏe.

Nên tham khảo, nghiên cứu thị trường đồ mới cùng khung giá để vừa phù hợp với túi tiền, vừa yên tâm trong quá trình sử dụng.

Theo khảo sát, với số tiền từ 300-600 nghìn đồng là có thể sở hữu một chiếc quạt cũ mang thương hiệu nổi tiếng của Nhật Bản. Tuy nhiên, cần tới 8 – 10 triệu mới có thể mua được hàng điện tử có độ mới cao và là sản phẩm chính hãng. Thậm chí, có khách hàng phải bỏ ra 15-30 triệu đồng mới có được sản phẩm ưng ý.

do-secondhand.jpeg
Nồi cơm điện " Nhật bãi". Ảnh: Báo Thanh Hoá.

Tuy nhiên, không ít khách hàng vẫn săn lùng những món hàng nội địa Nhật (còn gọi là hàng Nhật “bãi”). Đó là hàng điện tử có xuất xứ từ Nhật, Hàn Quốc...đã qua sử dụng, được bán tại thị trường Việt Nam với giá “mềm” hơn nhiều so với hàng mới.

Một chiếc nồi cơm điện cũ có giá trung bình khoảng 5 – 4,5 triệu đồng; tủ lạnh từ 10 triệu đồng trở lên; máy lọc không khí từ 1,8 triệu – 6 triệu đồng; máy hút ẩm từ 2,5 triệu – 5 triệu đồng... tùy vào đời máy.

Việc mua đồ secondhand như đồ điện tử, điện lạnh, quần áo... là nhu cầu thực tế vì giá những sản phẩm này rất “mềm” so với đồ mới.

Nhưng kèm theo đó, người tiêu dùng cũng phải chịu rủi ro nhất định vì chúng không có công bố, không có kiểm định chất lượng đầu ra, không có chế độ bảo hành của nhà sản xuất như các sản phẩm mới.

Sau khi mua đi bán lại qua nhiều kênh, việc sản phẩm còn sử dụng được hay không còn chưa biết vì chủ hàng có thể đã sửa chữa lại rồi bán.

Chưa kể, nếu chọn phải sản phẩm đồ điện tử, điện lạnh, gia dụng đã quá cũ thì khi hỏng, sẽ không có linh kiện thay thế.

“May hơn khôn”

Thực tế, hầu hết đồ bãi bên Nhật đều đã qua sử dụng từ 3-5 năm. Khi chuyển về Việt Nam, chúng sẽ được tuyển chọn, phân loại tùy theo đời máy và giá trị sử dụng của máy.

Các chủ hàng sẽ “tút lại” sản phẩm bằng cách sơn mới lớp vỏ bên ngoài, làm sạch và thay thế các linh kiện bên trong.

Nếu may mắn thì người mua sẽ chọn mua được món hàng tốt, không may thì sẽ chỉ mua được món hàng chất lượng kém, do đã bị thay hết lớp linh kiện bên trong.

Tất nhiên, bản thân hàng nội địa không phải cái nào cũng tốt. Đồ điện tử sản xuất cho thị trường trong nước đã đáp ứng những tiêu chuẩn hạ tầng phù hợp với nội địa Nhật Bản. Cũng sản phẩm đó, nhưng chuyển sang sử dụng ở môi trường nước khác là không phù hợp.

Chưa kể, là hàng đã bỏ đi nên chúng không được bảo quản tốt, đã hư hỏng hoàn toàn hoặc hư hỏng một phần. Trong quá trình vận chuyển từ Nhật Bản sang các nước khác, các phần linh kiện nhạy cảm như bo mạch.. sẽ “chết” hoặc hư hỏng nặng, khó có thể phục hồi.

do-nhat-bai.jpeg
Hàng điện tử "Nhật bãi" được nhiều lựa chọn dù giá không rẻ.

Hàng "Nhật bãi” có những nhược điểm như: bắt buộc phải sử dụng nguồn điện 100V, 110V nên mỗi sản phẩm mua về, khách hàng phải mua thêm bộ đổi nguồn. Ngoài ra, sản phẩm nhập không chính ngạch nên chỉ có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng nước ngoài.

Sản phẩm có nhiều chức năng nên cách thức vận hành khá phức tạp. Nếu không hiểu hết, người tiêu dùng không thể khai thác hết được tính năng của sản phẩm. Hàng "Nhật bãi” sử dụng linh kiện không phổ biến nên khó mua linh kiện thay thế nếu bị hỏng, cần sửa chữa.

Với giá cả rẻ hơn nhiều so với hàng mới (New) nhưng vẫn còn tốt, hàng đã qua sử dụng (secondhand) thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng còn bởi tính “độc”, “lạ” riêng biệt của nó.

Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn phải cảnh giác khi mua sản phẩm secondhand, bởi xác xuất rủi ro rất cao. Nhất là đối với mặt hàng điện tử.

Thị trường đồ điện tử, điện lạnh mới hiện đang rất phong phú về chủng loại, đa dạng mẫu mã và phân bố đều tại các phân khúc giá tiêu dùng.

Thiết nghĩ, thay vì mua hàng bãi, người tiêu dùng có thể mua hàng mới sản xuất trong nước, còn nguyên bảo hành, tuy tính năng, tiện ích có ít hơn nhưng dễ sửa chữa và thay thế linh kiện.

Đặc biệt, hàng mới thuận tiện và phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng của chúng ta, tránh mua phải “rác điện tử” gây thiệt hại về tiền bạc./.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảnh báo về mua đồ điện tử secondhand gặp nhiều rủi ro