Tại việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng, sản phẩm bắt nguồn từ thiên nhiên phải có những tiêu chí rõ ràng về hàm lượng, hay tỷ lệ thành phần và phải được cơ quan chuyên môn công nhận.
Việt Nam đang sử dụng Bộ Tiêu chuẩn ISO 12972-2:2020: Mỹ phẩm – Hướng dẫn định nghĩa kỹ thuật và tiêu chí đối với sản phẩm, và thành phẩm mỹ phẩm tự nhiên và hữu cơ.
Tiêu chuẩn này quy định các phương thức tính các chỉ số tự nhiên, chỉ số có nguồn gốc tự nhiên, chỉ số hữu cơ và chỉ số có nguồn gốc hữu cơ áp dụng với các loại thành phần được xác định trong TCVN ISO 12972-2:2020 (ISO 16128-2:2017).
Đồng thời tiêu chuẩn đưa ra các khung xác định hàm lượng sản phẩm tự nhiên, sản phẩm nguồn gốc tự nhiên, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ dựa trên đặc tính thành phần sản phẩm.
Bộ Y tế sẽ kiểm tra và siết chặt quản lý loại mỹ phẩm “handmade”, theo quy định tại Thông tư 06/2011/TT-BYT về quản lý mỹ phẩm. Theo đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm phải có giấy phép đăng ký kinh doanh.
Các cơ sở sản xuất mỹ phẩm phải đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (CGMP – ASEAn): Phải có đội ngũ nhân sự có kiến thức chuyên môn đáp ứng yêu cầu của CGMP; có hệ thống quản lý, kiểm tra chất lượng đầy đủ…
Khi đưa bất cứ sản phẩm mỹ phẩm nào ra thị trường, sản phẩm này phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận “Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm”.
Các cá nhân sản xuất kinh doanh mỹ phẩm tự chế, phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng của sản phẩm.
Nếu cơ sở nào không tuân thủ các quy định trên, sẽ bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013.
Bên cạnh đó, Nghị định 93/2016/NĐ-CP ban hành ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện sản xuất mỹ phẩm, các cơ sở sản xuất mỹ phẩm phải có đội ngũ nhân sự với kiến thức chuyên môn đáp ứng yêu cầu: “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm (CGMP); có hệ thống quản lý, kiểm tra chất lượng đầy đủ; xây dựng nhà xưởng đúng quy định.
Do đó, những cá nhân có chứng nhận từ trung tâm đào tạo làm mỹ phẩm, nhưng cơ sở sản xuất chưa được Sở Y tế cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm, thì vẫn không được phép tự sản xuất, buôn bán mỹ phẩm tự chế.
Hàng năm, Cục Quản lý Dược sẽ phối hợp với Sở y tế các địa phương, lực lượng công an và các cơ quan hữu quan đã tăng cường quản lý đối với sản phẩm mỹ phẩm, kịp thời phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân kinh doanh mỹ phẩm trái phép, mỹ phẩm giả, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Đồng thời thường xuyên triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sử dụng mỹ phẩm an toàn hợp lý cho người sử dụng trên các phương tiện thông tin, nhằm nâng cao kiến thức cho người dân để có thể lựa chọn, sử dụng mỹ phẩm an toàn./.
Dấu hiệu nhận biết mỹ phẩm kém chất lượng - Màu sắc: Sản phẩm có màu sắc khá nổi bật. - Mùi thơm: Mùi của các loại mỹ phẩm kém chất lượng thường khá gắt và nồng. - Mẫu mã: Bao bì thường đơn giản, nhãn mác in ấn thiếu chuyên nghiệp, không ghi rõ thành phần, nơi sản xuất, mã vạch thương mại hóa,… - Cảm giác khi thoa: Khó thẩm thấu, thoa lên da có cảm giác nặng. - Dấu hiệu trên mặt: ngứa, đỏ, dị ứng, nổi mụn nhiều, bệnh lí về da,...gây nguy hiểm cho sức khỏe người sử dụng. Mỗi người nên trang bị những kiến thức hiểu biết về làn da của mình, chọn mua sản phẩm chăm sóc sắc đẹp tại các địa chỉ uy tín, được kiểm định chất lượng. Ngoài ra, cần sử dụng hàng mẫu cẩn thận trước khi mua. |