Cảnh giác chiêu trò lừa đảo gắn mác 'đầu tư tài chính'

Liên Minh | 23/10/2023, 06:10
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Thời gian gần đây, tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mời gọi đầu tư tài chính xuất hiện nhiều trở lại, nhưng dưới hình thức khác và tận dụng lợi thế của internet và mạng xã hội.

lua-dao-1.jpg
Lừa đảo dưới "mác" đầu tư tài chính ngày càng tinh vi.

Đầu tư tiền ảo, mất tiền thật

Vừa qua, nhiều vụ lừa đảo kêu gọi tiền đầu tư bị truy tố, điển hình nhất là Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã truy tố 35 bị can lừa hàng trăm người đầu tư qua mạng, chiếm đoạt gần 99 tỷ đồng

Thông qua 10.000 nhóm Telegram, 35 bị can đưa ra thôg tin và tài liệu giả để kêu gọi hàng trăm người đầu tư vào sàn nhị phân, nhằm chiếm đoạt gần 99 tỷ đồng.

Người cầm đầu là Nguyễn Hữu Đạt (34 tuổi, quê Bình Định) cùng 34 đồng phạm về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và rửa tiền.

Đạt cùng đồng bọn đã lừa 276 nạn nhân đầu tư vào sàn nhị phân rồi chiếm đoạt gần 99 tỷ đồng.

Theo kết luận điều tra, Đạt đầu tư kinh doanh các sàn nhị phân trên mạng bị thua lỗ, sau đó, tham gia giới thiệu nhà đầu tư vào giao dịch trên các sàn nhị phân để hưởng hoa hồng.

Nhận thấy nhu cầu muốn hưởng lợi nhanh của các nhà đầu tư nên Đạt nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của họ bằng hình thức sử dụng ứng dụng Telegram đưa ra các thông tin giả, huy động vốn của các nhà đầu tư vào sàn nhị phân.

Để điều hành đường dây phạm tội, Đạt “tuyển quân” chia làm 4 nhóm hoạt động và phân chia vai trò nhiệm vụ cho từng nhóm. Đạt đã thuê các căn nhà, căn hộ ở TP HCM để cho các nhóm hoạt động, đồng thời liên tục thay đổi địa điểm nhằm tránh công an phát hiện.

Đạt giao cho đồng phạm mua số lượng lớn sim để kích hoạt và tạo lập các nick name Telegram, lấy ảnh người trung niên, sang trọng trên mạng (là những người thành công) để làm ảnh đại diện, nhằm tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.

Nhóm của Đạt lập khoảng 10.000 nhóm Telegram thường, đặt tên như “Đầu tư thu lãi 4-10% mỗi ngày”, “Đầu tư thu lợi nhuận cùng Ban chuyên gia”, “Giao dịch ngoại hối”, “Thu thập thụ động”, “Siêu lợi nhuận”… và khoảng 150 nhóm Telegram VIP có tên “VIP member – Tự do tài chính 4.0”, “VIP siêu lợi nhuận mỗi ngày”, “VIP đẳng cấp đầu tư tài chính”… để hoạt động.

Mỗi nhóm Telegram VIP có một nick name leader do Đạt sử dụng, 80-100 nick name Telegram ảo do đồng phạm của Đạt lập, sử dụng để tương tác với 1 nhà đầu tư thật.

Còn mỗi nhóm Telegram thường có 1 nick name leader do Đạt sử dụng, 20-40 nick name ảo do các đồng phạm của Đạt sử dụng để tưogn tác với 3-5 nhà đầu tư thật.

Nhóm của Đạt giới thiệu nhà đầu tư cách thức tham gia đầu tư là uỷ thác đầu tư, nhà đầu tư góp vốn cùng “Ban chuyên gia”. Trong đó vốn “Ban chuyên gia” là 60%, nhà đầu tư 40%.

“Ban chuyên gia” sẽ thanh khoản sau mỗi phiên giao dịch trực tiếp vào tài khoản cá nhân đầu tư. Vốn đầu tư gói thường tối thiểu là 3.000 USD, sẽ kiếm được lợi nhuận cố định 2 phiên mỗi ngày sáng và chiều (1,6 triệu đồng/phiên).

Vốn đầu tư gói VIP tối thiểu là 20.000 USD sẽ được lợi nhuận cố định 6 phiên mỗi ngày (1.800 USD/phiên). Gói VIP “kép” là 40.000 USD, lợi nhuận tăng gấp đôi và cam đoan 2 ngày lấy lại vốn đầu tư.

Để nhà đầu tư yên tâm về việc sẽ được đội ngũ “Ban chuyên gia” hỗ trợ bảo toàn vốn trong quá trình tham gia đầu tư, Đạt cùng đồng phạm đưa ra quy tắc là 3 lần thua sẽ ngưng không giao dịch nữa. Khi nghiên cứu và dự đoán sàn giao dịch sẽ thắng thì tiến hành đầu tư ngay.

Đạt chỉ đạo đồng phạm dùng tiền nhà đầu tư gửi để trả lợi nhuận như cam đoan. Nếu nhà đầu tư tiếp tục gửi thêm tiền vào tài khoản thì các đối tượng tiếp tục gửi lợi nhuận thêm 1-2 ngày nữa, sau đó, sẽ thông báo cho khách hàng là “ban chuyên gia” đặt cược tiền của khách thua hết tiền, kèm theo hình ảnh bảng kết quả đặt cược khác phiên trong ngày.

Khi khách hàng hỏi tại sao cam kết thua 3 lệnh sẽ ngưng lại thua hết, thì nhóm của Đạt dùng nick name trong nhóm VIP có bị hại thay nhau trách móc “Ban chuyên gia” tại sao phá vỡ quy tắc; hay bàn luận tranh cãi rồi động viên không trách móc, sau đó tiếp tục dùng nick name đại diện “Ban chuyên gia” xin lỗi, hứa hẹn. Đạt trực tiếp dùng nick name leader nhắn tin riêng, an ủi, động viên bị hại để họ tin tưởng việc mất tiền là do ngoài ý muốn.

Bằng thủ đoạn nêu trên, nhóm của Đạt đã lừa 376 nạn nhân đầu tư và sàn nhị phân, chiếm đoạt gần 99 tỷ đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định, Đạt dùng số tiền này trả lương cho đồng phạm, thuê nhà, mua công cụ, thanh khoản chuyển tiền cho bị hại… Riêng Đạt thu lợi cho mình 66 tỷ đồng.

hd-kd.png

Nhận diện một số thủ đoạn lừa đảo

Thời gian gần đây, nở rộ tình trạng huy động vốn thông qua nhiều hình thức như đầu tư tài chính, tiền ảo, tiền điện tử, bất động sản… có dấu hiệu lừa đảo, huy động vốn trái phép, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.

Mới đây nhất, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBNCKNN) cảnh báo về các trang web, app cung cấp dịch vụ chứng khoán trên không gian mạng (Passion Invest, Finhay, Tikop, Infina, Savenow, BUFF..) thực hiện huy động vốn và có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán khi chưa được UBCKNN cấp phép.

Nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ quyền và lợi ích của mình. UBCKNN khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng khi thực hiện các giao dịch đầu tư chứng khoán trên các app giao dịch này, nhà đầu tư chịu trách nhiệm đối với các rủi ro có thể phát sinh.

Nghiên cứu các vụ án, vụ việc này cho thấy điểm chung là lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, đánh vào lòng tham của nhiều người, các đối tượng tội phạm sử dụng rất nhiều thủ đoạn kêu gọi đầu tư tham gia sau đó chiếm đoạt tiền.

Thứ nhất, các đối tượng thường vẽ ra các dự án đầu tư lớn, gắn với các phương thức kinh doanh, đầu tư có yếu tố công nghệ, hệ sinh thái phủ rộng khắp các lĩnh vực, nhưng thực chất không có hoạt động kinh doanh gì. Sau đó mở bán gói đầu tư hứa hẹn lãi suất, lợi nhuận siêu cao nhằm huy động vốn của nhà đầu tư.

Chẳng hạn như bán các gian hàng trên các trang thương mại điện tử, ứng dụng mua bán trực tuyến để sau đó cho người khác thuê lại bán hàng, hoặc mua hàng tích điểm thưởng, càng mua nhiều gian hàng, mua nhiều hàng được hoàn lại điểm về tài khoản (trên ứng dụng); nạp nhiều tiền vào tài khoản và giới thiệu người tham gia như mình thì càng được lên cấp cao hơn, được thưởng hoa hồng cao; hoặc là mở bán các gói đầu tư, quyền kinh doanh thương hiệu, cam kết lợi nhuận cao, người mua được sở hữu cổ phần và trở thành cổ đông của công ty hưởng cổ tức trọn đời…

lua-dao-dau-tu-2.jpeg

Thứ hai, các đối tượng thường cam kết lợi nhuận không tưởng từ 20-30%, có những trường hợp lên đến 50-70% năm hoặc vẽ ra những mục tiêu rất lớn, thậm chí có cả kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán quốc tế danh tiếng, đưa ra những hình ảnh về người đi trước thành công, được những ưu đãi vô cùng hấp dẫn của công ty như tặng nhà, xe, đi du lịch nghỉ dưỡng cao cấp…

Đây là những chiêu trò khá phổ biến mà các đối tượng khiến cho nhà đầu tư tin tưởng, nhằm mục đích lôi kéo nhà đầu tư ký kết hợp đồng. Các cam kết này chỉ là hứ hẹn, chứ không hề có bất cứ biện pháp đảm bảo thực hiện như thế chấp tài sản, bảo lãnh ngân hàng.

Thứ ba, để tạo được lòng tin, các đối tượng thường đăng ký các doanh nghiẹp có vốn điều lệ rất lớn, mời những người nổi tiếng, có ảnh hưởng đối với giới trẻ về khởi nghiệp, đầu tư để làm diễn giả trong các hội nghị khách hàng, hội nghị hoa hồng, sự kiện lớn của công ty; đồng thời sử dụng các trang mạng báo điện tử quảng cáo mạnh mẽ, dùng tiền để tài trợ, mua giải thưởng,…

Thứ tư, để qua mắt sự kiểm soát của các cơ quan chức năng, các đối tượng thường lợi dụng sự lỏng lẻo của pháp luật, sử dụng các hình thức ký hợp đồng uỷ thác đầu tư hay hợp đồng hợp tác đầu tư… nhằm gây khó khăn trong quá trình giám sát, xác minh làm rõ dấu hiệu vi phạm của cơ quan chức năng.

Hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có khung pháp lý cụ thể về uỷ thác nói chung, uỷ thác đầu tư nói riêng, đặc biệt hành lang pháp luật bảo vệ nhà đầu tư nhiều sơ hở. Khái niệm uỷ thác đầu tư được quy định chỉ duy nhất trên thị trường chứng khoán, tuy nhiên cũng chưa thật chặt chẽ.

Theo Luật Chứng khoán, hoạt động kinh doanh sinh lời, chuyên nghiệp trong hoạt động uỷ thác là hoạt động nghiệp vụ chứng khoán chỉ cho phép tồn tại dưới hình thức công ty quản lý quỹ.

Ngoài ra, các đối tượng thường yêu cầu các nhà đầu tư nộp tiền vào tài khoản cá nhân của các cổ đông/người đại diện của Công ty hoặc nộp bằng tiền mặt và ghi nhận bằng phiếu thu tiền.

Với hình thức này thì thực tế tiền không được đưa vào các tài khoản ngân hàng công ty. Các đối tượng dễ dàng sử dụng, chuyển tiền và sử dụng trái mục đích. Việc mập mờ về thu nộp tiền là cách để lách, trốn các trách nhiệm, nhất là việc trốn tránh việc quản lý, theo dõi của các cơ quan thuế, các cơ quan nhà nước.

Bài liên quan
Bắt người đàn ông lừa đảo đưa người sang Hàn Quốc lao động
Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Cà Mau vừa bắt tạm giam Huỳnh Minh Quân với cáo buộc lừa đảo đưa người sang Hàn Quốc lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảnh giác chiêu trò lừa đảo gắn mác 'đầu tư tài chính'