Tuyển sinh - du học

Cạnh tranh một suất vào lớp 10: Cả gia đình, thầy trò đều dồn sức "học gạo"

11/04/2025 13:44

Để cạnh tranh suất vào lớp 10 công lập, ngay đầu cấp THCS, cả gia đình, nhà trường, thầy trò đều dồn sức học gạo 3 môn toán, văn, Anh, bỏ qua những môn học khác, trong đó có khoa học tự nhiên.

Trên đây là ý kiến của GS Đỗ Đức Thái, giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, Tổng chủ biên chương trình môn Toán phổ thông, tại chương trình "Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018", ngày 10/4 tại Hà Nội.

"Thay đổi thi vào lớp 10 là chuyện quốc gia đại sự"

Theo GS Thái, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 cũng cần thay đổi quyết liệt. Hầu hết địa phương, kỳ thi này chỉ xoay quanh ba môn toán, ngữ văn, tiếng Anh.

Để cạnh tranh một suất vào lớp 10, ngay từ đầu cấp THCS, cả gia đình, nhà trường và thầy trò đều dồn sức học gạo 3 môn này, bỏ qua những môn học khác, trong đó có các môn khoa học tự nhiên như: vật lí, hóa học, sinh học...

Đây cũng là lý do ít học sinh chọn tổ hợp tự nhiên khi vào THPT, dẫn đến ít chọn các môn khoa học tự nhiên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

screen-shot-2025-04-11-at-10.12.43.png
GS Thái đưa ra thí dụ về việc dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Ảnh: Ngọc Trang).

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm trước, số thí sinh lựa chọn bài thi khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) luôn thấp hơn bài thi khoa học xã hội.

Năm ngoái, chỉ 37% trong hơn 1,07 triệu thí sinh thi tốt nghiệp lựa chọn tổ hợp này. Ở bậc đại học, khối ngành kinh doanh và quản lý thu hút nhiều thí sinh nhập học nhất trong những năm qua, khoảng 25% thí sinh chọn khối này, trong khi tỷ lệ thí sinh nhập học ngành Công nghệ kỹ thuật và Máy tính và Công nghệ thông tin lần lượt là 9 và 12%.

"Điều này là nguyên nhân trực tiếp gây mất cân bằng trong cơ cấu đào tạo ngành nghề ở đại học. Do đó, cơ cấu nguồn nhân lực và các ngành kinh tế của đất nước cũng mất cân đối, thiếu hụt nguồn nhân lực phục vụ chủ trương đẩy mạnh mũi nhọn về khoa học, công nghệ, chuyển đổi số.

Không có quốc gia nào với dân số quy mô 100 triệu dân lại có thể trở thành nước phát triển nếu chỉ tập trung vào các lĩnh vực dịch vụ, phi công nghệ", GS Thái nói.

Cũng theo chuyên gia giáo dục này, việc thay đổi kỳ thi lớp 10 không còn là chuyện của ngành giáo dục, mà là chuyện quốc gia đại sự.

Nguy cơ đó phải được nhìn nhận nghiêm túc ngay từ bây giờ tránh để vấn đề trở nên trầm trọng hơn, khó giải quyết hơn. "Dứt khoát phải chuyển từ tâm lý "thi gì học nấy" sang việc "học gì thi nấy".

Việc này rất cần thiết áp dụng đối với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Vì chỉ có "học gì thi nấy", học sinh mới học đầy đủ, đảm bảo chất lượng đúng với yêu cầu của chương trình ở giai đoạn giáo dục bắt buộc (từ lớp 1 đến lớp 9).

Điều đó góp phần thực hiện thành công công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ bậc THCS", GS Thái chia sẻ.

screen-shot-2025-04-11-at-10.14.16.png
Học sinh lứa đầu tiên của chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Ảnh: Mỹ Hà).

"Chỉ có bàn làm chứ không bàn lùi"

Cũng theo GS Thái, chỉ có "bắt đúng bệnh" mới có thể đưa ra được những giải pháp khắc phục.

"Hiện có luồng ý kiến bậc THCS phải bỏ môn khoa học tự nhiên, phải quay trở lại dạy ba môn lý, hóa, sinh riêng biệt, đây là luồng ý kiến tai hại, "bàn lùi, không bàn làm".

Việc xây dựng, sớm ban hành bộ chuẩn hóa chương trình môn khoa học tự nhiên ở THCS, cũng như bộ chuẩn hóa giáo viên dạy môn này, sẽ góp phần giải quyết tận gốc câu hỏi: "Môn khoa học tự nhiên do một hay ba giáo viên dạy?, bố trí lịch dạy học thế nào, kiểm tra đánh giá ra sao", ông Thái nói.

Cùng với đó, chuyên gia này đưa ra các giải pháp cần khắc phục về chương trình trong thời gian tới.

Thứ nhất, xây dựng, ban hành chuẩn hóa chương trình của một số môn học trong Chương trình GDPT 2018.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh tập huấn, bồi dưỡng giáo viên về đổi mới phương pháp dạy học, đưa công tác này vào thực chất theo phương châm "cầm tay chỉ việc" cho đội ngũ. Thực tiễn cho thấy, việc tập huấn cho giáo viên cốt cán, rồi những giáo viên đó tập huấn, lan tỏa lại cho các đồng nghiệp tỏ ra không hiệu quả.

Bằng cách sử dụng sáng tạo nhiều giải pháp khác nhau, chúng ta cần tập huấn trực tiếp đến từng giáo viên theo các mạch kiến thức trong chương trình, SGK môn học.

Thứ ba, chuyển mạnh công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ THPT xuống THCS. Quy định rõ nội dung, phương thức, cách thức triển khai công tác đó ở THCS (có thể qua các tài liệu biên soạn cụ thể về công tác hướng nghiệp).

Thứ tư, đổi mới căn bản, toàn diện phương thức, nội dung thi cử - khâu cuối nhưng lại có tác động lớn đến thực hiện chương trình. Đây là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu, đặc biệt đối với kỳ thi vào lớp 10.

Khi học sinh học đủ và trải qua kỳ thi chuyển cấp, các em mới có đủ trải nghiệm để biết rõ sở trường, sở thích, mong muốn của mình và lựa chọn nhóm môn học phù hợp khi vào lớp 10.

Áp dụng cách làm đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT có thể công bố đề tham khảo, ma trận của đề thi với môn tổng hợp. Sau đó, tổ chức tập huấn cho các sở GD&ĐT để triển khai theo hoàn cảnh thực tiễn địa phương.

Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/giao-duc/canh-tranh-mot-suat-vao-lop-10-ca-gia-dinh-thay-tro-deu-don-suc-hoc-gao-20250410155106651.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/giao-duc/canh-tranh-mot-suat-vao-lop-10-ca-gia-dinh-thay-tro-deu-don-suc-hoc-gao-20250410155106651.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cạnh tranh một suất vào lớp 10: Cả gia đình, thầy trò đều dồn sức "học gạo"