Bà Vũ Thị Tuyết Nga, Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ cho biết, dự kiến kịch bản chương trình xây dựng chỉ có khoảng 900 học sinh tham gia. Tuy nhiên, trên thực tế ghi nhận hơn 1.000 người. Trong đó, ngoài học sinh, giáo viên nhà trường thì còn có nhiều phụ huynh cũng đã tích cực tham gia cổ vũ và hưởng ứng giờ học đặc biệt này cùng con em mình.
Trong khuôn khổ chương trình, diễn ra nhiều hoạt động, như: Triển lãm ảnh “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”; trình chiếu video; hoạt động trí tuệ “Theo dòng lịch sử”; trò chơi hoạt náo; trưng bày, giới thiệu các ấn phẩm, xuất bản phẩm, tác phẩm thơ, ca, được sáng tác trong và sau chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đây là một trong những hoạt động nằm trong chương trình phối hợp được ký kết giữa bảo tàng và ngành Giáo dục địa phương. Trong đó có nhiều hoạt động được tổ chức, như: Tham quan, tìm hiểu bảo tàng; trải nghiệm “Chúng em là chiến sĩ”… Đặc biệt, thời gian gần đây bảo tàng đã đẩy mạnh phối hợp với các nhà trường thông qua hoạt động đưa sử đến gần hơn với học sinh.
Học sinh Trường PTDTBT THCS Mường Nhé háo hức tham gia các hoạt động hoạt náo trải nghiệm lịch sử. |
“Từ đầu năm đến nay địa phương liên tiếp diễn ra các sự kiện. Đơn vị phải phục vụ số lượng lớn khách tham quan tại bảo tàng nên chưa tổ chức đi lưu động được. Tuy nhiên, có hàng nghìn học sinh đã được các nhà trường kết nối tổ chức đến trải nghiệm tại bảo tàng. Từ tháng 9 tới nay đơn vị mới bắt đầu tổ chức đi lưu động. Trên cả sự kỳ vọng, mỗi giờ học trải nghiệm như vậy luôn thu hút số lượng học sinh, phụ huynh tham gia vượt kế hoạch”, bà Nga cho hay.
Còn theo đánh giá của thầy Hoàng Xuân Bình, Hiệu trưởng Trường THPT huyện Tuần Giáo thì mặc dù đây không phải là phương pháp mới, song rất có “sức hút” đối với học sinh. Phương pháp “học mà chơi, chơi mà học” này đã khiến cho không khí giờ học Lịch sử trở nên sôi động, hấp dẫn hơn.
Không chỉ vậy, theo thầy Bình, với các hoạt động hoạt náo, học sinh còn được rèn luyện nhiều kỹ năng tích cực. Cụ thể, như: Năng lực làm việc nhóm, khả năng lắng nghe, quan sát, thuyết trình, tự tin thể hiện khả năng bản thân và tự khám phá, sáng tạo giải quyết các vấn đề, tình huống phát sinh.
“Việc lồng ghép giảng dạy môn Lịch sử trong Chương trình ngoại khoá giúp các kiến thức môn học này trở nên sống động hơn. Học sinh vì thế cập nhật kiến thức theo cách gần gũi, dễ nhớ, dễ thuộc nhất. Thông qua đó, giúp bồi dưỡng tình yêu lịch sử trong mỗi em”, thầy Hoàng Xuân Bình - Hiệu trưởng Trường THPT huyện Tuần Giáo chia sẻ.