Di tích Mán Bạc tại xã Yên Thành (Yên Mô, Ninh Bình) tiếp tục được khai quật để phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Ngày 10/4, thông tin từ Bộ VH,TT&DL cho biết, vừa có văn bản cho phép Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) khai quật khảo cổ tại di tích Mán Bạc, thôn Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.
Thời gian khai quật bắt đầu từ ngày 22/4 đến ngày 30/6, với diện tích khai quật 200m2 do ông Hoàng Văn Diệp - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chủ trì khai quật.
Bộ VH,TT&DL cũng yêu cầu trong thời gian khai quật khảo cổ, cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền về việc bảo vệ di sản văn hoá ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.
Đồng thời, những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật khảo cổ, Bảo tàng tỉnh Ninh Bình, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc và báo cáo Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL phương án bảo vệ và phát huy giá trị.
Sau khi kết thúc khai quật, phải có báo cáo sơ bộ và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã khai quật trong thời gian chậm nhất 1 tháng và báo cáo khoa học trong thời gian chậm nhất 1 năm. Trước khi công bố kết quả, phải trao đổi, thống nhất với Cục Di sản văn hóa.
Di tích Mán Bạc là một trong những di tích khảo cổ học có giá trị lịch sử - văn hóa đặc biệt quan trọng, được các nhà khoa học trong nước và quốc tế khai quật 5 lần vào các năm 1999, 2001, 2004 - 2005, 2005 và năm 2007. Kết quả khai quật cho thấy, di tích chứa đựng khối lượng tư liệu đồ sộ về đồ đá, đồ gốm, di tích động, thực vật, đặc biệt là di tích mộ táng thuộc giai đoạn văn hóa cuối Phùng Nguyên, đầu Đồng Đậu, có niên đại gần 4.000 năm cách ngày nay.
Đây là những bằng chứng khoa học lịch sử quan trọng để phác thảo về diện mạo đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của cư dân Mán Bạc nói riêng, người Việt cổ nói chung thời kỳ tiền Đông Sơn.