Một cậu bé Thẩm Dương (Trung Quốc) nhặt được số tiền khổng lồ 260.000 NDT (gần 900 triệu đồng). Khi tìm được chủ nhân, người chủ bối rối: "Chiếc túi là của tôi, nhưng tôi chỉ mất 20.000 NDT (khoảng gần 70 triệu đồng)". Câu chuyện từng thu hút sự chú ý của cư dân mạng Trung Quốc. Chuyện gì đã xảy ra?
Được biết, Thân Bích Hàm là học sinh lớp năm. Một chiều tan học, cậu theo mẹ từ trường về nhà. Khi đi ngang qua một con phố, cậu bé nhìn thấy một chiếc túi vải màu xanh lá cây treo trên bức tường cao. Vì tò mò, em bước tới xem trong túi có gì.
Tốn rất nhiều công sức mới đưa được chiếc túi từ trên cao xuống, khi mở ra, cậu bàng hoàng: Trong đó chứa đầy tiền! Thân Bích Hàm không khỏi hét lớn thông báo với mẹ.
Người mẹ nghe thấy tiếng con trai liền vội chạy tới xem chuyện gì đang xảy ra. Cô cũng bị sốc trước cảnh tượng trước mắt: Không phải một, hai tờ tiền, cũng không phải hàng chục tờ tiền, mà là những chồng tiền giấy chất thành núi!
Đối mặt với số tiền lớn như vậy, hai mẹ con đều không hề có ý định chiếm đoạt. Họ quyết định đợi người chủ xuất hiện và gọi cảnh sát đến giúp đỡ.
"Nếu mất nhiều tiền như vậy, tôi đoán người chủ sẽ đến tìm nên tôi nói với con trai rằng 'Chúng ta hãy đợi một lát'", bà mẹ nói. Thân Bích Hàm nghe lời mẹ và gật đầu lia lịa đồng tình. Cậu bé cảm thấy hạnh phúc vì mình đang làm điều đúng đắn.
Tuy nhiên, 10 phút, 20 phút trôi qua... Hai mẹ con đợi gần một tiếng đồng hồ nhưng người chủ vẫn không đến. Lúc này Thân Bích Hàm đề nghị: "Đợi như vậy cũng không được, chúng ta gọi cảnh sát đi mẹ!". Người mẹ đã gọi điện cho 110 và giải thích ngắn gọn tình hình.
Sau khi biết tin, ông Dương ở đồn cảnh sát gần nhất đã lập tức bố trí cho nhân viên có mặt nhanh chóng đến hiện trường vụ việc. Mọi người đếm số tiền và phát hiện trong túi có tới 260.000 NDT!
"Nơi nhặt tiền tình cờ là điểm mù camera, không ghi lại được hình ảnh chủ nhân. Nhưng sau gần một giờ điều tra, cuối cùng chúng tôi cũng tìm ra", cảnh sát Dương nhớ lại. Tuy nhiên, trước sự ngạc nhiên của cảnh sát, người đàn ông trả lời điện thoại đầu tiên phủ nhận việc anh ta đã rút tiền vào ngày hôm đó, sau đó nói rằng mình chỉ rút 20.000 NDT "tiền tiêu vặt". Cảnh sát ngay lập tức liên lạc với cộng đồng nơi người này sinh sống.
Các quan chức xác nhận rằng người đàn ông này mắc bệnh tâm thần. Liên lạc với cha mẹ của người này, họ được biết 260.000 NDT là số tiền bồi thường dịp quy hoạch nhà đất. Đó cũng là toàn bộ tiền tiết kiệm của gia đình. Sau khi xác minh, các thủ tục liên quan đã được hoàn tất và nhận lại được 260.000 NDT.
Hai ông bà nhìn đống tiền giấy trước mặt và phấn khích đến mức không nói nên lời. Đây là số tiền họ chuẩn bị để chữa bệnh cho con trai, là niềm hy vọng và nguồn sống cho tương lai của họ. Hai ông bà biết ơn cảnh sát vì giúp đỡ nhiệt tình, nhưng người họ muốn cảm ơn nhiều hơn là cậu bé đã tìm thấy số tiền.
"Số tiền lớn như vậy, nếu là người khác thì có lẽ tôi đã không nhận lại được. Cậu bé này thật tốt bụng, thật thà. Cậu ấy không chỉ giữ được tiền của mà còn cả mạng sống của chúng tôi", người cha nói.
Trước thắc mắc của mẹ Thân Bích Hàm rằng trong túi này có 260.000 tệ, sao con của bà chỉ nói mất 20.000 tệ ạ, người cha giải thích: "Tinh thần con trai tôi không ổn định, nó lúc tỉnh lúc không. Hôm đó con trai tôi lén lấy sổ ngân hàng rút 260.000 NDT. Sau khi phát hiện, tôi vội đuổi theo. Nhưng không ngờ nó lại bỏ tiền bên vệ đường", người mẹ giải thích. Đồng thời ông quay sang Thân Bích Hàm, nói thêm: "Con thật là một đứa trẻ ngoan, mẹ con chắc chắn sẽ rất tự hào và hạnh phúc".
Cư dân mạng cho rằng, Thân Bích Hàm đã thể hiện tính cách cao thượng và trung thực tuyệt vời của một học sinh tiểu học. Cậu không chỉ có được sự biết ơn và tôn trọng của gia đình bị mất tiền, mà còn nhận về vô số lời khen ngợi. Cách dạy con của mẹ Bích Hàm cũng được nhiều người tán dương.
"Mặc dù các cháu có được thầy cô, bố mẹ rao giảng về lòng trung thực rất nhiều, nhưng cuộc sống xung quanh thì rất muôn màu muôn vẻ, khiến các cháu không nhận ra đâu là việc tốt, việc xấu. Là mẹ, mình phải nhấn mạnh với các cháu rằng cái gì không phải của mình thì không bao giờ được giữ. Nó là mồ hôi, nước mắt, công sức của người khác. Mình giữ thì mình cũng không an yên, nên trả lại là điều tốt nhất" - người mẹ chia sẻ.