Câu nói vui kinh điển “làm cả đời không bằng tiền lời lô đất” còn đúng khi đầu tư bất động sản?

Thanh Phong | 28/06/2023, 07:28
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Về dài hạn, chuyên gia cho rằng bất động sản vẫn sẽ còn nhiều dư địa tăng giá, đặc biệt đất nền được lựa chọn là phân khúc ưa chuộng để tích sản.

Trong giai đoạn thị trường bất động sản diễn biến sôi động từ năm 2019 đến đầu năm 2022, câu nói kinh điển “làm cả đời không bằng tiền lời lô đất” được các môi giới và giới đầu tư bất động sản sử dụng rất nhiều nhằm chào mời khách mua và mang hàm ý bất động sản là kênh đầu tư hấp dẫn, sẽ tăng giá trị cao theo thời gian.

Thực tế, thời điểm đó câu nói này được nhiều người tấm tắc công nhận, vì giá bất động sản liên tục tăng nóng, thậm chí bỏ xa mức thu nhập của đại đa số người dân. Những nhà đầu tư tham gia thị trường ở giai đoạn đó, chỉ cần mua nhanh bán chớp trong thời gian ngắn cũng có lãi từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi thương vụ, số tiền này có thể bằng 1 năm hoặc nhiều năm đi làm dân văn phòng.

Tuy nhiên, từ giữa năm 2022 đến nay thị trường bất động sản diễn biến trầm lắng, giá bất động sản liên tục đi xuống nhưng vẫn khó tìm người mua. Lúc này, những người bán bất động sản, đặc biệt là đất nền chỉ mong đỡ lỗ, chưa nói tới chuyện sẽ có lãi. Vậy, câu nói kinh điển “làm cả đời không bằng tiền lời lô đất” liệu còn đúng khi đầu tư vào bất động sản?

Anh Nguyễn Khắc Tú, Giám đốc một sàn môi giới bất động sản tại Hà Nội cho biết, hiện tại bất động sản, nhất là phân khúc đất nền đang giảm giá mạnh. Lúc này, nếu bán đất nền chỉ cần bớt lỗ hoặc vẫn còn lãi đã là niềm vui.

“Trước kia câu nói vui “làm cả đời không bằng tiền lời lô đất” được lan truyền khắp nơi, vì giá bất liên tục tăng nhanh, bỏ xa mức thu nhập của người dân. Tuy nhiên, đến nay thị trường đã đảo chiều, câu nói vui kinh điển này không còn đúng trong ngắn hạn. Bởi, lúc này người bán bất động sản đa phần phải chấp nhận lỗ. Nhưng về dài hạn câu nói này vẫn có phần đúng vì giá bất động sản khi vào chu kỳ sẽ tăng rất nhanh gấp 2 - 3 lần, thậm chí nhiều hơn. Minh chứng đã thể hiện rõ trong chu kỳ bất động sản vừa qua”, anh Tú nói.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6 cho rằng, khoảng 10 - 20 năm tiếp, câu nói “làm cả đời không bằng tiền lời lô đất” vẫn sẽ có thể đúng. Bởi tốc độ đô thị hóa hiện nay của Việt Nam rất cao, hạ tầng sẽ được đầu tư mạnh và nhu cầu về nhà ở của người dân lớn. Đồng thời, bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế.

“Sau giai đoạn bùng nổ, khi giá nền bất động sản đã cao, quỹ đất hạn chế, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các ngành nghề khác, bất động sản sẽ không còn chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế. Lúc này đầu tư bất động sản sẽ không đơn thuần là sản phẩm truyền thống như đất nền, chỉ mua và chờ tăng giá mà phải là những sản phẩm có chiều sâu hơn”, ông Quê nói.

Trước tới nay, bất động sản được lựa chọn là kênh tích sản, đầu tư ưa chuộng của rất nhiều người vì tiềm năng tăng giá. Dẫn số liệu từ nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết, từ năm 1990 đến nay, giá vàng tăng khoảng 30 lần, giá bất động sản tăng gấp 4 lần giá vàng, vào khoảng 120 lần.

Trên thế giới, trong tất cả mặt hàng thì giá vàng tăng nhanh nhất. Ví dụ, ở Mỹ giá vàng tăng gần 40 lần. Giá vàng Việt Nam tăng chậm hơn so với thế giới vì giá vàng Việt Nam cao hơn giá thế giới. Một ví dụ mà TS. Lê Xuân Nghĩa đưa ra, đó là năm 1990, ông mua căn nhà hết 13 cây vàng, tương đương 26 triệu đồng. Thì đến hiện tại, căn nhà có giá khoảng 8 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan, từng đưa ra dẫn chứng thực tế về giá bất động sản, cụ thể vào năm 2002, giá nhà tại  quận Hoàn Kiếm trung bình chỉ khoảng 11 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, đến năm 2020, mức giá tại khu vực này đã tăng lên 33 lần, đạt ngưỡng trên 360 triệu đồng/m2.

Vị này cũng cho biết rằng, giá nhà đất ở nơi tăng thấp nhất cũng đã cao gấp 3 lần so với năm 2011. Trong tương lai, mức giá sẽ còn tiếp tục tăng mạnh khi tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam vẫn ở mức rất thấp, chỉ ở khoảng 35%. Con số tại Trung Quốc và Hàn Quốc lần lượt đạt 60% và 81%.

Dẫu vậy, theo ông Quốc Anh, giá nhà tại một số đô thị lớn tại Việt Nam như Hà Nội và TP. HCM rơi vào khoảng 2.000 USD/m2, vẫn ở mức rất thấp nếu so với các nước trong khu vực như Australia, Hong Kong, Singapore…

Thực tế, từ trước tới nay bất động sản vẫn luôn được đánh giá là kênh đầu tư hấp dẫn, bởi tiềm năng tăng giá lớn, nhất là đối với những nước có tốc độ đô thị hóa cao như Việt Nam. Theo ông Troy Griffiths, Phó giám đốc điều hành Savills Việt Nam, điểm thú vị của Việt Nam là đã dẫn trước các thị trường bất động sản khác nhờ tốc độ đô thị hóa 47%. Trong mắt các nhà đầu tư, Việt Nam vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước với quá trình đô thị hóa.

TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cũng cho biết, trong quý I/2023, nhu cầu mua đất nền làm tài sản vẫn được nhà đầu tư ưa chuộng và tiếp tục là phân khúc được lựa chọn hàng đầu.

Theo một khảo sát với 1.000 người của Batdongsan.com.vn cho thấy không chỉ người chưa có nhà đất muốn sở hữu bất động sản, những người đã sở hữu 3 bất động sản trở lên vẫn có nhu cầu mua thêm. Số này chiếm tới 87% người được hỏi. Tương tự, với người đã sở hữu 1-2 bất động sản, nhu cầu tiếp tục mua tài sản chiếm lần lượt 66-79%. Trong đó, các sản phẩm sơ cấp trong tầm giá 2,5-5 tỷ đồng thu hút lượng quan tâm lớn. Phần lớn đều có nhu cầu mua để đầu tư.


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Câu nói vui kinh điển “làm cả đời không bằng tiền lời lô đất” còn đúng khi đầu tư bất động sản?