Khi Bàng Chúng Vọng 6 tuổi, cậu được chẩn đoán mắc bệnh tim bẩm sinh và cần được phẫu thuật ngay lập tức. Nhưng phí phẫu thuật 40.000 nhân dân tệ tương đương với cả gia tài đối với gia đình nghèo khó này. Vào thời điểm đó, nhiều người đã thuyết phục cha mẹ của cậu từ bỏ nhưng người mẹ nhất quyết ngồi trên xe lăn và dẫn con trai đi vay mượn từng nhà, cố gắng kiếm đủ tiền cho ca phẫu thuật. Sau đó, để trả nợ, cả gia đình đã cùng nhau làm việc quần quật ngày đêm.
Bàng Chúng Vọng đỗ Thanh Hoa với số điểm kỷ lục
Tất cả những điều này đã được cậu bé Bàng Chúng Vọng nhìn thấy và ghi nhớ. Và cậu đã cố gắng hết sức để báo đáp cha mẹ mình.
Cha mẹ của Bàng Chúng Vọng hay Lưu Chấn Ngạo chỉ là những bậc cha mẹ bình thường nhất ở Trung Quốc. Họ không được học hành, sức khỏe không tốt, không đủ tiền cho con đi học thêm, không thể hướng dẫn con tỉ mỉ cho việc lập kế hoạch cho cuộc đời. Nhưng họ lại dùng tình yêu chân thành nhất để hỗ trợ con tiến lên phía trước, nuôi dưỡng nên những đứa trẻ biết ơn và có hoài bão. Cuối cùng, những đứa trẻ được nuôi dạy trong tình yêu đã phá vỡ xiềng xích của số phận.
Trên thực tế còn có rất nhiều câu chuyện tương tự như thế này. Cha mẹ của những đứa trẻ nhà nghèo vượt khó đã dùng chính hoàn cảnh dưới trung bình của mình làm "cách giáo dục" tốt nhất. Họ dùng tình yêu thương sâu sắc nhất che mưa che nắng cho con, đồng thời dạy con cách biết ơn từ khi còn nhỏ. Vì muốn che chở cho những người mình yêu thương trong tương lai, sự nỗ lực của những đứa trẻ sẽ trở nên phi thường.
Rất nhiều gia đình hiện nay không dạy được con một điều căn bản, đó là nuôi dưỡng lòng biết ơn.
Một cư dân mạng từng đăng câu chuyện của gia đình lên mạng nhờ xin tư vấn như sau: Em trai cô năm nay thi đại học. Trước kỳ thi, cô động viên em trai luôn học kém của mình rằng miễn là em đỗ thì cô sẽ thưởng cho em một chiếc điện thoại di động và một chiếc máy tính xách tay.
Cuối cùng, em cô chỉ đạt 301 điểm, dù vừa đủ điểm đỗ nhưng chỉ có thể vào những ngôi trường làng nhàng. Không ngờ, khi cả nhà đang đau đầu giúp người em nghiên cứu nên vào trường nào thì người em đang hào hứng ngồi chọn mua điện thoại và laptop mới. Cậu đòi mua chiếc laptop đắt đỏ. Bị người nhà mắng, cậu kiên quyết nói không muốn đi học tiếp nữa, mặc cho mẹ quỳ gối xin. Trong hơn 2 tiếng đồng hồ người mẹ khóc lóc, cậu vẫn ngồi khoanh chân và nhàn nhã nghịch điện thoại.
Ảnh minh họa
Du Mẫn Hồng, người sáng lập tập đoàn dạy thêm lớn nhất Trung Quốc - New Oriental, từng nói: "Trẻ em ngày nay được cho quá nhiều và đã quen với việc được cho, đến nỗi chúng coi 'được cho' là chuyện đương nhiên. Khi không còn được 'cho' nữa, chúng sẽ rất đau khổ và sinh ra oán trách".
Theo ý kiến của ông, nếu một đứa trẻ coi tất cả những gì nó có là chuyện hiển nhiên, là những gì cha mẹ nên cung cấp cho mình thì một đứa trẻ như vậy sẽ không có tương lai trong đời.
Vì vậy, là cha mẹ, đặc biệt là những bậc cha mẹ bình thường đừng quên dạy trẻ biết quan tâm và chăm sóc cha mẹ. Một đứa trẻ có lòng biết ơn và trách nhiệm mới có thể sống có hoài bão và biết kiên trì.
Nguồn: Toutiao