Chỉ khi bản thân tự ý thức được tác hại lúc đó trẻ mới tự giác, nếu cấm đoán, càng làm cho trẻ có hành vi chống đối, rối ren thêm.
Ngoài nghiện game, chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện - Bệnh viện Nhi đồng thành phố - cho hay hậu quả của việc nghiện Internet có thể đưa đến tình trạng có những thay đổi tiêu cực về mặt cảm xúc của trẻ như chán nản, cáu gắt, lo âu, căng thẳng...
Từ đó, nhiều rối loạn tâm thần như lo âu, trầm cảm có thể xuất hiện và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, sử dụng Internet liên tục, kéo dài còn có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
Cha mẹ cần quy định thời gian sử dụng thiết bị điện tử phù hợp cho từng độ tuổi và cần kiểm soát nội dung trẻ tiếp cận.
Theo ThS Nguyệt, một số biểu hiện của trẻ nghiện game như: lúc nào cũng nghĩ về game, cầm điện thoại liên tục, khi không có điện thoại thì bồn chồn, ủ rũ, khó chịu trong người, dễ cáu giận... từ đó bỏ bê học hành hoặc học cho có.
Nếu tình trạng kéo dài có thể dẫn đến kết quả học tập sa sút ảnh hưởng đến tương lai của trẻ hoặc trẻ chống đối gia đình, thậm chí chống đối xã hội, không muốn tiếp xúc với ai, hay cáu bực mình khi bị làm phiền, hoặc có thể dẫn đến trầm cảm, tự tử...
Bác sĩ Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc khuyến cáo cha mẹ khi thấy con có hành vi chơi Internet 2-3 tiếng mỗi ngày không phải vì học tập hay làm việc thì cần phải can thiệp ngay chứ đừng để con nghiện game rồi mới vội vã điều trị.
Vì tác động tâm lý, điều chỉnh hành vi rất khó khăn và có khả năng tái phát nếu như không có sự kiên trì điều trị. Khi đó, cha mẹ nên tăng cường cho con tham gia các hoạt động ngoài trời, tăng cường tương tác, trò chuyện với con, đừng để con trốn tránh trong thế giới game một mình.