Biểu hiện của nghiện game thời Covid-19

Vân Huyền | 09/02/2022, 19:57
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Việc học trực tuyến dẫn đến tình trạng trẻ phải tiếp xúc với máy tính trong thời gian dài. Điều đó là một trong những nguyên nhân khiến không ít học sinh, sinh viên nghiện game.

Theo TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền - Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, nghiện game có đặc điểm là mất khả năng kiểm soát chơi các trò trên máy tính, điện thoại. Người nghiện tăng sự tập trung vào chơi game hơn là những hoạt động khác. Thậm chí, ưu tiên vào chơi game hơn những hoạt động hằng ngày. Người nghiện game sẽ tiếp tục hoặc tăng dần chơi, dù có những hậu quả xấu xảy ra.

"Để chẩn đoán nghiện game, những hành vi chơi này phải có đủ mức độ nghiêm trọng để làm tổn hại đến cá nhân người bệnh. Đó là bỏ học, học hành sa sút, ảnh hưởng gia đình, xã hội, công việc, nghề nghiệp hoặc những lĩnh vực quan trọng trong đời sống. Những ảnh hưởng này phải kéo dài ít nhất là 12 tháng", TS Huyền chia sẻ.

Người nghiện game thường có các biểu hiện bao gồm: Cảm thấy bồn chồn, bứt rứt, khó chịu trong người nếu không được chơi game. Nói dối bạn bè hoặc gia đình khi được hỏi về thời gian chơi game. Không tiếp xúc, tránh giao lưu với người khác để dành thời gian chơi game. Ngoài ra, người nghiện game có những triệu chứng về cơ thể như mệt mỏi, đau đầu, hội chứng ống cổ tay do sử dụng quá mức chuột máy tính, lười vệ sinh cá nhân.

nghien-game.jpg
Ảnh minh hoạ

Theo TS Huyền, với những trẻ có nguy cơ nghiện game, cần theo dõi thói quen chơi của trẻ, như: thời gian, trò chơi, thói quen đi ngủ và mức độ cô lập, hạn chế giao tiếp về xã hội…

"Việc tuân thủ theo các biện pháp phòng dịch một cách nghiêm túc phải được đảm bảo. Tuy nhiên, nên có các hoạt động tương tác giữa học sinh. Ví dụ như có những cuộc trao đổi, gặp mặt online hoặc tham gia vào các chương trình tự học…

Bố mẹ cần dành thời gian để tương tác với con như theo dõi và quy định giờ chơi game của trẻ, đặc biệt là về giấc ngủ. Nhiều trẻ ngủ phòng riêng và chơi game suốt đêm, không kiểm soát được giờ giấc", chuyên gia này nhấn mạnh.

Ngoài ra, phụ huynh cần khuyến khích trẻ tham gia những hoạt động ngoài trời ngay tại khu vực nhà mình như đi bộ tập thể dục, đánh bóng bàn, cầu lông, chơi cá ngựa, cờ vua, cờ tướng... TS Huyền cho rằng, các chuyên gia về sức khỏe tâm thần cần có sự hỗ trợ và những lời khuyên để đối phó với stress. Đồng thời, xử lý những hậu quả của việc chơi game quá mức như rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, lo âu, học hành sa sút do chơi game.

Bài liên quan
TP.HCM: Chàng trai béo phì thắng COVID-19 sau 84 ngày can thiệp ECMO
Ngày 10/11/2021, bệnh nhân V.Q.D (nam, 28 tuổi) nhiễm COVID-19, nhập Bệnh viện Dã chiến 3 tầng số 16, TP.HCM trong tình trạng suy hô hấp diễn tiến nhanh phải can thiệp thở máy xâm lấn và ECMO (oxy hoá máu màng ngoài cơ thể).

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Biểu hiện của nghiện game thời Covid-19