Tạo lập văn bảnNghị luận văn học:
Học sinh được lựa chọn 1 trong 2 đề để làm bài.
Đề 1: Yêu cầu HS tự chọn một tác phẩm thuộc chủ đề đề cho, cảm nhận tác phẩm và chỉ ra ảnh hưởng, tác động của tác phẩm đối với bản thân mình hoặc liên hệ đến tác phẩm khác, liên hệ thực tế cuộc sống để rút ra một vấn đề văn học hoặc cuộc sống.
Đề 2: Đề thi đặt ra một tình huống cụ thể và yêu cầu HS sử dụng kiến thức, sự trải nghiệm trong quá trình đọc để giải quyết tình huống ấy.
Học sinh cần rèn luyện kĩ năng phân tích, cảm nhận tác phẩm văn học theo thể loại thơ, truyện, nắm vững kĩ năng viết bài văn nghị luận văn học, đọc thêm các tác phẩm ngoài sách giáo khoa có cùng chủ đề. Đồng thời dùng kiến thức và trải nghiệm đọc tác phẩm để giải quyết một tình huống cụ thể.
Học sinh tránh diễn xuôi lại tác phẩm; bài làm thiếu cảm xúc do ít đọc, ít suy tư, cũng có thể do học vẹt. Không hiểu rõ yêu cầu của đề, viết lại các nội dung đã học một cách máy móc.
Một số nguyên nhân sau cũng ảnh hưởng đến bài làm của các em: Học sinh phân bố thời gian không hợp lí cho các phần, các câu; đọc đề không kĩ dẫn đến trả lời không đúng trọng tâm, hoặc trả lời dài dòng, thừa ý; trình bày, viết chữ cẩu thả, khó đọc; bài làm không hoàn chỉnh (do quá say sưa viết về 1 ý dẫn đến quên kết bài hoặc kết bài quá sơ sài).
Mặt khác, cũng có em bị ám ảnh bởi suy nghĩ đề thi tuyển sinh là phải khó, “phải có nhiều bẫy” dẫn đến tâm trạng lo lắng, căng thẳng, áp lực, ảnh hưởng đến bài làm. Điều này là rất không nên.
Định hướng đề thi tuyển sinh môn Ngữ văn năm nay sẽ có “độ mở” cao. Các em cần tập trung rèn luyện kĩ năng và tích luỹ kiến thức để thực hiện tốt nhất các yêu cầu của đề.