Cây bình vôi “chìa khoá vàng” của nhiều căn bệnh

Phạm Hoa | 30/09/2023, 06:16
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Theo y học cổ truyền, bình vôi là vị thuốc có tác dụng an thần, chữa mất ngủ.

Đặc điểm chung của các loài bình vôi

Bình vôi là dạng dây leo, có thân mảnh, nhẵn. Rễ củ rất đa dạng từ hình trứng thuôn đến hình cầu hơi dẹt, vỏ ngoài màu nâu đen. Lá mọc so le, có cuống dài đính vào trong phiến lá, hai mặt nhẵn.

Hoa mọc ở kẽ lá. Hoa đực có 6 lá đài, 3 cánh hoa màu vàng cam, hoa cái có 1 lá đài, 2 cánh hoa. Quả hơi dẹt, màu đỏ khi chín, hạt cứng hình móng ngựa, lõm ở giữa.

cay-binh-voi.jpg
Củ bình vôi có thể nặng tới vài chục cân. Ảnh: Internet

Các loài bình vôi phân bố rất rộng, chủ yếu ở châu Á gồm một số nước như Ấn Độ, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc...

Ở Việt Nam, bình vôi phân bố kéo dài từ Bắc đến Nam nhưng tập trung nhiều vào các tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình, Lạng Sơn, Thanh Hóa với trữ lượng khá lớn. Thường gặp ở rừng cây bụi và dây leo nhỏ núi đá vôi ẩm. Có khi thấy củ nằm gọn trong hỏm đá, xung quanh không có đất.

Bộ phận thu hái chế biến: Rễ củ thu hái vào mùa thu, đông (lúc này hàm lượng hoạt chất cao nhất). Sau thu hoạch, rễ củ được cạo sạch vỏ ngoài, thái lát, phơi khô trong bóng râm, rồi mới chiết hoạt chất.

Có nơi, người ta dùng rễ củ tươi sát hoặc giã nhỏ, ép lấy nước, rồi từ nước này chiết lấy hoạt chất (cách này thường được sử dụng khi phải vận chuyển dược liệu đi xa và mất nhiều thời gian).

Có người còn cho rằng chỉ nên chiết hoạt chất ở những củ có trọng lượng từ 0,8 đến 1 kg trở lên.

Thành phần hoá học: Rễ củ bình vôi chứa nhiều alcaloid, trong đó chủ yếu là L-tetrahydropalmatin (còn gọi là rotundin), stepharin, roemerin, cycleanin, cepharanthin. Ngoài ra, còn có tinh bột, đường khử.

Tác dụng dược lý: Nhiều hoạt chất chiết được từ các loài bình vôi đã được nghiên cứu. Trong đó, L-tetrahydropalmatin có tác dụng an thần rõ rệt, gây ngủ dễ dàng với liều thích hợp.

Cepharanthin có tác dụng giảm nhẹ hiện tượng giảm bạch cầu do sử dụng các thuốc chống ung thư gây nên, có khả năng kích thích miễn dịch.

cay-binh-voi-1.jpg
Ngoài chữa bệnh, bình vôi còn được trồng như một loại cây cảnh. Ảnh: Internet

Công dụng và liều dùng: Bình vôi có vị đắng, tính hàn, có tác dụng hạ nhiệt, an thần, giảm ho, giải độc chữa sốt, mất ngủ, ho hen, kiết lỵ. Liều dùng hàng ngày: 3 - 6g dưới dạng thuốc sắc, nước hãm, cao lỏng, rượu ngâm.

Dạng rượu ngâm gồm bột bình vôi (1 phần), rượu 40 độ (5 phần), mỗi ngày uống 5-15ml, thêm đường cho dễ uống. Dạng chè thuốc "Bình đại" gồm bình vôi và sâm đại hành với lượng bằng nhau, hãm uống trong ngày.

Ngoài ra, rễ bình vôi còn được dùng chữa đau dạ dày, viêm ruột, viêm họng. Rễ bình vôi để tươi giã nát đắp chữa mụn nhọt, vết thương.

Một số bài thuốc

- Trị mất ngủ: Lấy bình vôi, lạc tiên, vông nem mỗi loại 12g, liên tâm và cam thảo mỗi loại 6g, sắc nước uống mỗi ngày 1 lần.

- Trị suy nhược thần kinh: Lấy bình vôi, câu đằng, thiên ma, viễn chí mỗi loại 12g, sắc nước uống mỗi ngày 1 lần.

- Trị đau dạ dày, loét dạ dày: Lấy bình vôi, dạ cẩm, khổ sâm cho lá, xa tiền tử mỗi loại 12g, sắc nước uống ngày 1 lần.

- Trị viêm nhiễm đường hô hấp, viêm họng, viêm phế quản mãn tính: Lấy bình vôi, huyền sâm, cát cánh mỗi loại 12g, sắc nước uống mỗi ngày 1 lần.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cây bình vôi “chìa khoá vàng” của nhiều căn bệnh