(GDTĐ) - Núc nác vừa là cây thực phẩm vừa là cây thuốc vô cùng quý trong y học. Vỏ thân núc nác đã được chứng minh là có nhiều tác dụng dược lý, được ứng dụng trong cả Đông y và Tây y ngày nay.
Công dụng của cây núc nác
Theo y học cổ truyền: Núc nác có vị đắng ngọt, tính mát, vào 2 kinh tỳ, bàng quang; có tác dụng chống ho, giảm đau, thanh phế nhiệt, lợi hầu họng, vỏ thân có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp. Trong dân gian, hạt núc nác được dùng để trị viêm họng cấp và mạn tính, khan cổ, viêm phế quản cấp và ho gà, đau vùng thượng vị, đau sườn. Vỏ quả thì dùng chữa dị ứng sơn, trị bệnh vẩy nến, hen phế quản trẻ em, viêm gan vàng da, viêm bàng quang, viêm họng, khô họng, ho khan tiếng, trẻ em ban trái, sởi.
Theo y học hiện đại: Vỏ cây Oroxylum indicum (L.) Vent đã được nghiên cứu thực nghiệm cho thấy có tác dụng rõ rệt trong việc chống dị ứng và tăng sứ đề kháng của cơ thể. Nó cũng làm giảm độ thấm của mạch máu, ức chế giai đoạn cấp tính của phản ứng viêm. Flavonoid chiết xuất từ cây Oroxylum indicum (L.) Vent thì có tác dụng chống choáng phản vệ….
Chế phẩm nunacin bào chế từ flavonoid toàn phần chiết ở vỏ núc nác đã được dùng trong việc điều trị cho 37 bệnh nhân mắc bệnh vảy nến. Số ngày điều trị cho mỗi bệnh nhân là 54 – 191 ngày. Kết quả cho thấy có 14 bệnh nhân khỏi bệnh, 18 bệnh nhân đỡ nhiều 5 trường hợp không có kết quả. Có 20 trong số 30 bệnh nhân nói trên được điều trị phối hợp với mỡ salicylic bôi ngoài da.
Ngoài ra, các chế phẩm từ Oroxylum indicum (L.) Vent cũng được ứng dụng trong việc điều trị bệnh hen, mề đay….
Các bài thuốc dân gian dùng cây núc nác
Chữa đau tức hạ sườn phải, da vàng, nước tiểu đỏ (do can khí uất kết): Vỏ cây núc nác (hoàng bá nam) 16g, sài hồ 16g, xa tiền 12g, hạt dành dành (chi tử) 12g, đan bì 12g, nhân trần 12g, bạch thược 12g, cỏ nhọ nồi 16g, rau má 20g, cam thảo đất 16g; sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần. Hoặc cũng có thể chuẩn bị vỏ cây núc nác 16g, cối xay 16g, sài hồ 12g, đương quy 16g, chó đẻ răng cưa 16g, tam thất 10g, thanh bì 12g, xa tiền 12g, rễ cỏ tranh 16g, cơm rượu 16g, cam thảo 12g; sắc uống ngày một thang chia 2 lần.
Chữa đau dạ dày: Lấy vỏ cây núc nác, bồ hoàng, ngũ linh chi, ô tặc cốt sắc nước uống.
Chữa bệnh sởi cho trẻ em: Vỏ cây núc nác 6g, kinh giới 6g, huyền sâm 8g, liên kiều 6g, lá diếp cá 5g, mã đề 4g, kim ngân hoa 4g, hoa hồng bạch 4g, sài hồ 4g, cam thảo 2g, sài đất 5g, đương quy 4g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 – 4 lần.
Chữa viêm da, dị ứng, mụn nhọt, mẩn ngứa: Vỏ cây núc nác sao qua 16g, kim ngân hoa 16g, kinh giới 16g, sài hồ 16g, đinh lăng 16g, xuyên khung 10g, phòng phong 10g, bạch chỉ 10g, sài đất 16g, lá cơm rượu 16g, uất kim 10g, hạt dành dành 10g, cam thảo 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần. Hoặc lấy vỏ cây núc nác 16g, kim ngân hoa 16g, lá đơn đỏ 14g, ké đầu ngựa 14g, cúc hoa 12g, tô mộc 10g, trần bì 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.
Thuốc rửa hoặc bôi tại chỗ: Vỏ cây núc nác (hoàng bá nam) 50g, lá đinh lăng 30g, lá kinh giới 30g. Sắc lấy nước rửa hoặc bôi ngoài da ngày 2 lần.
Chữa vú có cục rắn, đau: Vỏ cây núc nác 16g, hương nhu 16g, táo nhân (sao đen) 16g, đinh lăng 16g, hòe hoa (sao vàng) 20g, cát căn 16g, uất kim 10g, đương quy 12g, huyền sâm 16g, xương bồ 12g, hoàng kỳ 2g, xuyên khung 12g, tam thất 12g, chích cam thảo 12g, trinh nữ hoàng cung 6g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần, dùng trong 20 – 30 ngày 1 liệu trình.
Chữa lị: Vỏ cây núc nác 20g, cỏ sữa 20g, khổ sâm 16g, lá nhót 20g, hoàng liên 12g, củ mài 16g, bạch truật 12g, chích cam thảo 12g, hạt sen 16g, cỏ nhọ nồi sao đen 20g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần. Hoặc có thể lấy vỏ cây núc nác 16g, khổ sâm 16g, rau sam 20g, đinh lăng 20g, cỏ sữa 20g, bạch truật 12g, cỏ ngũ sắc 16g, ngũ gia bì 16g, hoa hòe (sao đen) 16g, hoàng đằng 12g, chích cam thảo 12g, búp ổi 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.