Với phân khúc đất nền, biệt thự, nhà phố/liền kề bà Dung cho rằng vẫn sẽ là phân khúc được người dân rất ưa chuộng bởi vì tính riêng tư của loại hình này so với chung cư. Nhưng có một điểm là những sản phẩm này có giá trị khá cao, cho nên sự phục hồi của thị trường này sẽ có độ trễ hơn so với thị trường chung cư. Chưa kể hiện tại, nguồn cung của thị trường này còn tồn đọng khá nhiều nên cần thời gian để tiêu thụ nốt.Như vậy, có thể tới năm 2025 thì phân khúc này mới có sự phục hồi rõ rệt.
Ở chiều ngược lại, bất động sản công nghiệp có nhiều điểm sáng. Theo đại diện CBRE Việt Nam, thị trường bất động sản công nghiệp là phân khúc hoạt động tốt nhất khi có những chỉ số kinh doanh tốt trong thời gian qua. Giá đất khu công nghiệp tăng cao. Bên cạnh đó, tỷ lệ lấp đầy cũng cao lên đến 80-90% tại các thành phố KCN cấp 1 như: Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hải Dương... Điều này rất tốt cho hoạt động kinh doanh quỹ đất của các nhà phát triển bất động sản công nghiệp. Tuy nhiên, nếu đứng ở khía cạnh người đi thuê thì đây là một thị trường rất cạnh tranh vì không có nhiều lựa chọn.
Báo cáo thị trường quý 3/2023 mới đây của DKRA Group cũng dự báo thị trường cuối năm Theo đó, nguồn cung phân khúc đất nền trong quý 4/2023 có thể tăng nhẹ so với quý 3/2023, dao động ở mức 350 - 420 nền, tập trung chủ yếu tại các vùng phụ cận như Đồng Nai, Long An, Bình Dương. Sức cầu chung toàn thị trường dự kiến tăng nhẹ nhưng khó có đột biến trong ngắn hạn, giao dịch phát sinh chủ yếu ở nhóm dự án đã hoàn thiện hạ tầng và pháp lý. Mặt bằng giá sơ cấp không có nhiều biến động. Các chính sách chiết khấu cho phương án thanh toán nhanh được áp dụng nhằm kích cầu thị trường.
Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung mới quý 4/2023 tại Tp.HCM có thể sẽ giảm, dao động từ 1.200 - 1.600 căn, Bình Dương khoảng 700 - 900 căn, Đồng Nai khoảng 200 căn và Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 150 căn mở bán mới. Phân khúc căn hộ hạng A giữ vững vị thế chủ đạo tại Tp.HCM, trong khi đó căn hộ hạng B và C dẫn dắt nguồn cung mới tại các tỉnh giáp ranh. Mặt bằng giá bán sơ cấp tiếp tục neo cao trước áp lực chi phí đầu vào, lãi vay và thời gian hoàn thiện thủ tục pháp lý dự án kéo dài,… Giá cũng như thanh khoản thứ cấp có thể sẽ tiếp tục đà phục hồi ở quý 4/2023 nhờ vào động thái giảm lãi suất và tâm lý mua bất động sản vào dịp cao điểm cuối năm.
Trong khi đó, nguồn cung mới và sức cầu phân khúc nhà phố/biệt thự quý 4/2023 có xu hướng tăng nhẹ, dao động khoảng 350 - 450 căn, tập trung chủ yếu ở Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Tp.HCM. Mặt bằng giá sơ cấp tiếp tục xu hướng đi ngang so với lần mở bán trước đó. Các chính sách chiết khấu, ưu đãi,… tiếp tục được các chủ đầu tư áp dụng nhằm kích cầu thị trường.
Với bất động sản nghỉ dưỡng, nguồn cung condotel dự báo tăng so với quý 3/2023, dao động khoảng 400 - 500 căn, tập trung phần lớn tại Kiên Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu. Đồng thời, nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng và nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng dự báo tương đương quý 3/2023 hoặc có thể tăng nhẹ. Sức cầu chung thị trường cải thiện so với quý 3/2023 nhưng không có nhiều đột biến. Mặt bằng giá sơ cấp duy trì ổn định. Các chính sách chiết khấu, ưu đãi thanh toán nhanh bằng vốn tự có tiếp tục được áp dụng rộng rãi.
Theo các chuyên gia, trong ngắn hạn nhìn chung thị trường bất động sản nghỉ dưỡng còn tiếp tục chững lại và cần có thời gian để hấp thụ hết những nguồn cung đã tung ra thị trường thời điểm trước đây. Nguồn cung hiện hữu khá dồi dào sẽ ảnh hưởng đến lợi suất cho thuê của người mua nên họ sẽ cẩn trọng hơn.
Một xu hướng đáng chú ý là các dự án mới có chất lượng tốt vẫn được đưa ra thị trường mặc dù không nhiều và các nhà điều hành khách sạn vẫn muốn mở rộng mạng lưới tại Việt Nam. Chứng tỏ họ vẫn nhìn thấy tiềm năng lâu dài của thị trường này trong dài hạn, đây cũng là một tín hiệu đáng mừng đối với thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam.