Phát triển kỹ năng giao tiếp
Tại buổi Tọa đàm, nhiều sinh viên đặt câu hỏi liên quan đến việc chuẩn bị trước, trong và sau khi tham gia ứng tuyển. Ông Lê Anh Tuấn – Trưởng phòng Phát triển kỹ năng và Công tác xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm và hỗ trợ thanh thiếu niên Hà Nội; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Thành Đoàn Hà Nội – chia sẻ: Các bạn muốn ứng tuyển vào vị trí nào thì phải tìm hiểu về nó và có hiểu biết về công việc thuộc lĩnh vực mà mình dự tuyển.
Đặc biệt, các bạn cần phát triển kỹ năng giao tiếp. Vì thế, ngay từ khi còn là sinh viên, cần rèn luyện kỹ năng này. Đồng thời, chuẩn bị cho mình những bản CV ấn tượng và tập luyện nhiều về cách trả lời phỏng vấn trước nhà tuyển dụng. Việc rèn luyện nhiều giúp bạn tự tin khi tham gia ứng tuyển. “Đôi khi chính trong giao tiếp sẽ mang lại cho các bạn 99% thành công. Khi đó, bản CV chỉ là 'tấm vé' mở cửa” – ông Anh Tuấn nói.
Theo ông Nguyễn Văn Tuyền – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Trevi Bike, sinh viên có thể đi làm thêm để tích luỹ kinh nghiệm từ thực tế và phát triển một số kỹ năng mềm. Với những bạn có đam mê khởi nghiệp, kinh doanh có thể lập thành nhóm để làm dự án. Lợi thế của các bạn là tuổi trẻ, giàu nhiệt huyết và năng lượng.
“Nếu coi mình là sản phẩm đào tạo của một trường đại học, thì sản phẩm đó có yếu tố gì? Công năng sử dụng ra sao?” - ông Nguyễn Văn Tuyền đặt vấn đề, đồng thời trao đổi: Tức là, khi bạn ứng tuyển vào vị trí nào đấy của doanh nghiệp thì phải đáp ứng yêu cầu công việc. Thứ nữa là độ bền và chất lượng công việc.
Phát biểu tại Tọa đàm, PGS.TS Hà Đức Trụ - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội – ghi nhận ý kiến của chuyên gia đến từ các doanh nghiệp rất sát thực. Qua đó, gợi mở nhiều vấn đề bổ ích cho sinh viên, giúp các em có thêm nhiều kiến thức và là “cẩm nang” để các em bước vào chặng đường ứng tuyển việc làm sắp tới.
Theo PGS.TS Hà Đức Trụ, các ý kiến phân tích rõ nét về một số kỹ năng sinh viên cần có, nhằm đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng; đồng thời trang bị hành trang cho mình trong tất cả các bước: Trước, trong và sau khi tham gia ứng tuyển; trong đó yếu tố thái độ được các CEO đặc biệt nhấn mạnh.
PGS.TS Hà Đức Trụ khuyến nghị, sinh viên cần chủ động nâng cao kiến thức, kỹ năng và khả năng của bản thân; đồng thời tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, thái độ để sẵn sàng tham gia ứng tuyển sau khi ra trường.
“Các em muốn lái ô tô, thì trước hết phải đi xe đạp tốt. Tức là, các em cần đi từ bước thực tập, cho đến khởi nghiệp ban đầu thật tốt thì mới có thể đi lên bước cao hơn” - PGS.TS Hà Đức Trụ viện dẫn, đồng thời cho hay: Nhiều sinh viên của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ khởi nghiệp thành công. Có sinh viên khởi nghiệp từ doanh nghiệp nhỏ đến lớn. Thành công sẽ đến nếu các em có đủ năng lực và đủ quyết tâm.