Cha mẹ cần chăm sóc thế nào khi con mắc trầm cảm?

Phạm Hoa - Việt Anh | 24/10/2023, 08:08
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Nếu tình trạng trẻ nhỏ bị trầm cảm không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống của trẻ. Vậy cha mẹ nên làm gì khi con trẻ bị trầm cảm?

Căn bệnh trầm cảm có thể khởi phát ở bất kì đối tượng nào, không phân biệt độ tuổi hay giới tính. Tuy nhiên, hiện nay trẻ em, đặc biệt là trẻ vị thành niên lại có nhiều nguy cơ mắc phải chứng rối loạn tâm thần này.

Theo số liệu thống kê, cứ khoảng 20 đứa trẻ thì sẽ có 1 trường hợp mắc phải các triệu chứng của bệnh trầm cảm.

Hãy tìm hiểu thông tin về căn bệnh trầm cảm

Việc đầu tiên mà các bậc cha mẹ nên làm khi phát hiện trẻ bị trầm cảm đó chính là tìm hiểu và nắm kỹ các thông tin về bệnh lý này.

Bạn sẽ không thể giúp ích được gì nếu không hiểu rõ về tình trạng sức khỏe của con cũng như các vấn đề mà chúng đang gặp phải.

Trong thực tế, bệnh trầm cảm hiện nay cũng nhận được nhiều sự quan tâm của mọi người, các phương tiện truyền thông cũng đưa nhiều thông tin về bệnh nhưng không phải bậc phụ huynh nào cũng hiểu rõ về nó.

Đôi lúc một số bậc cha mẹ lại cho rằng những sự thay đổi về tính cách của con là do con bướng bỉnh, quấy phá chứ không hiểu được đó chính là các triệu chứng của bệnh trầm cảm.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thông tin của căn bệnh này qua sách vở, các trang báo, hoặc nếu cần thiết nên tìm gặp bác sĩ để được hỗ trợ cụ thể hơn.

con-bi-tram-cam.png
                                                                 Nỗi lo của cha mẹ khi con bị trầm cảm

Tốt nhất khi nhận thấy con có những biểu hiện bất thường về cảm xúc, suy nghĩ, hành vi thì cha mẹ nên chủ động đưa con đến thăm khám sức khỏe để biết được cụ thể tình trạng của con.

Cũng bởi trầm cảm có rất nhiều hình dạng méo mó khác nhau, không phải ai mắc bệnh cũng sẽ có những biểu hiện tương tự nhau.

Các bậc phụ huynh nên sắp xếp thời gian và tham vấn kỹ ý kiến của bác sĩ về cách chăm sóc trẻ bị trầm cảm.

Đồng thời việc hiểu rõ về tình trạng bệnh của con cũng như các nguyên nhân gốc rễ gây ra bệnh sẽ giúp cho cha mẹ thấu hiểu và đồng cảm nhiều hơn với con.

Bởi thậm chí có không ít các trường hợp trẻ bị trầm cảm do chính sự tác động từ gia đình, chẳng hạn như cha mẹ thường xuyên cãi vã, kì vọng quá lớn của phụ huynh đối với con.

Nếu thực chất nguyên nhân trầm cảm của trẻ xuất phát từ đây, cha mẹ cũng cần phải nhìn nhận và tự thay đổi bản thân để giúp con tháo gỡ khúc mắc và mau chóng thoát ra khỏi căn bệnh quái ác.

cung-tre-nau-an.png
                                         Cùng trẻ nấu ăn giúp trẻ có tinh thần thoải mái

Hướng con đến những hoạt động mới mẻ

Thông thường, khi trẻ bị mắc phải căn bệnh trầm cảm sẽ có nhiều xu hướng muốn ở một mình, không thích tham gia vào bất kì hoạt động nào và không hứng thú với những điều mới mẻ xung quanh.

Lúc này trẻ sẽ cảm thấy buồn chán, ủ rũ, mệt mỏi suốt cả ngày và chỉ muốn ngồi một chỗ. Vậy các bậc cha mẹ nên làm gì để giúp con thoát khỏi những triệu chứng tiêu cực này?

Cha mẹ nên gợi ý cho con một số hoạt động giải trí, thư giãn mới mẻ và thú vị. Hãy cùng con tham gia vào các trải nghiệm này để giúp con lấy lại sự hứng khởi, hưng phấn đúng với lứa tuổi.

Việc được tiếp xúc với những điều mới mẻ, lạ lẫm sẽ kích thích sự tò mò của trẻ, đồng thời giúp cho trẻ trở nên linh hoạt và nhiệt huyết hơn.

Hãy kéo con ra khỏi những cảm xúc tiêu cực và cùng đồng hành với con trong giai đoạn khó khăn này. Một vài hoạt động mà các bậc phụ huynh có thể khuyến khích trẻ tham gia như cắm trại, leo núi, dã ngoại ngoài trời, lặn biển hoặc tham gia vào các câu lạc bộ như vẽ tranh, ca hát, nhảy múa, đánh đàn.

Ưu tiên hoạt động sức khỏe thể chất

Các chuyên gia cho biết rằng, tinh thần và thể chất luôn có sự gắn kết chặt chẽ với nhau. Do đó, nếu sức khỏe tinh thần bị tác động thì sẽ kéo theo những hệ lụy về thể chất.

Điển hình như những người mắc bệnh trầm cảm thường sẽ cảm thấy mệt mỏi, đau nhức, rối loạn giấc ngủ, gặp phải các vấn đề về ăn uống, tiêu hóa,…

Bên cạnh đó, nếu trẻ thường xuyên mất ngủ, ăn uống không điều độ, lười vận động thì sẽ khiến cho tình trạng bệnh trầm cảm càng trở nên tồi tệ hơn.

Do đó, song song với việc cải thiện và hỗ trợ phục hồi sức khỏe tinh thần thì các bậc phụ huynh cũng nên chú ý nhiều đến chế độ ăn uống, tập luyện, nghỉ ngơi của trẻ nhằm giúp nâng cao thể lực và phòng chống các biến chứng nguy hiểm.

Cha mẹ hãy chú ý tăng cường các dưỡng chất cần thiết vào chế độ ăn uống hàng ngày của trẻ, cho trẻ ăn nhiều rau xanh và các loại trái cây giàu vitamin, khoáng chất có lợi cho não bộ.

Tập thể dục mỗi ngày sẽ giúp cho trẻ cải thiện tốt sức khỏe tinh thần lẫn thể chất

Đồng thời, cần giúp trẻ điều chỉnh lại đồng hồ sinh học của mình, rèn luyện thói quen ngủ và thức dậy cùng một thời điểm trong ngày.

Nếu trẻ cảm thấy khó ngủ, ngủ không sâu giấc thì nên xem lại không gian ngủ của trẻ. Tốt nhất nên cho trẻ ngủ ở nơi yên tĩnh, thoáng mát, nhiệt độ và ánh sáng phòng vừa phải.

Hoặc cũng có thể áp dụng một số biện pháp hỗ trợ cải thiện chất lượng giấc ngủ như ngâm chân với nước ấm, dùng tinh dầu thơm, thiền định,…

Bên cạnh đó, hãy giúp trẻ rèn luyện thói quen tập luyện thể dục, vận động mỗi ngày. Cha mẹ có thể cùng con đặt ra những mục tiêu nhỏ trong ngày, ví dụ như thức dậy sớm để cùng nhau tập thể dục, cùng nhau nấu ăn, cùng nhau chăm sóc cây cảnh.

Điều này sẽ giúp cho tinh thần của trẻ được thoải mái hơn, sức khỏe thể chất cũng sẽ được cải thiện đáng kể, từ đó các triệu chứng của trầm cảm cũng được kiểm soát tốt hơn./.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cha mẹ cần chăm sóc thế nào khi con mắc trầm cảm?