(GDTĐ) - Trong quá trình phát triển, trẻ cần được cha mẹ chỉ dạy rất nhiều về cả kiến thức và kỹ năng. Một trong những kỹ năng cần thiết mà cha mẹ cần trang bị cho trẻ đó là kỹ năng ứng phó khi đi lạc.
Các bậc phụ huynh hãy dạy trẻ nhớ họ tên cùng với số điện thoại của mình. Tuy nhiên, có một số trường hợp trẻ sẽ gặp khó khăn và không nhớ tên của phụ huynh vì tên đó không dùng để chỉ cha mẹ của chúng. Có thể lúc ở nhà, cha mẹ thường xưng hô với trẻ bằng những tên gọi thân mật.
Trong trường hợp trẻ thực sự không thể ghi nhớ được họ tên và số điện thoại của cha mẹ, thì các bậc phụ huynh hãy viết những thông tin đó ra giấy. Sau đó tìm vị trí kín đáo để cất và chỉ cho trẻ về vị trí của tờ giấy. Để khi đi lạc, trẻ có thể nhờ sự giúp đỡ của người lớn liên hệ đến cha mẹ.
Khi trẻ được 3 tuổi hay chuẩn bị đi học, ngoài việc cha mẹ cho trẻ dùng điện thoại với mục đích giải trí và khám phá thế giới. Thì các bậc phụ huynh hãy dạy cho trẻ cách nghe và gọi điện thoại cho cha mẹ từ một chiếc điện thoại bàn cố định hoặc một chiếc điện thoại di động khác.
Dạy trẻ cách yêu cầu sự giúp đỡ an toàn
Cha mẹ hãy chỉ dạy cho trẻ cách bắt chuyện và yêu cầu sự giúp đỡ từ người lạ, đặc biệt là nhờ sự hỗ trợ từ nhân viên trong cửa hàng, cảnh sát hoặc nhân viên bảo vệ khi đi lạc.
Sau khi yêu cầu sự giúp đỡ thành công, trẻ sẽ cần cho họ biết rằng chúng đang đi lạc và cung cấp thông tin cần thiết như họ tên, số điện thoại của cha mẹ để họ liên hệ với phụ huynh.
Đứng tại vị trí trẻ bị lạc
Khi trẻ đi lạc, cha mẹ hãy dặn bé ở ngay tại vị trí đang đứng, tìm sự giúp đỡ thay vì hoảng loạn và cố tìm cha mẹ. Vì điều này sẽ giúp cha mẹ tìm thấy trẻ nhanh hơn.
Dạy trẻ kỹ năng ứng phó khi đi lạc qua video
Để trẻ hình dung và biết cách ứng phó với tình huống khi đi lạc, cha mẹ hãy cho trẻ xem những đoạn video về bảo vệ an toàn cho trẻ đi lạc như. Những đoạn video này giúp cung cấp thông tin bảo vệ an toàn khi đi lạc cho trẻ một cách thú vị, dễ tiếp thu và thực tế nhất. Chẳng hạn như những việc cần làm khi bị lạc cha mẹ, cách bắt chuyện với người lớn nhờ sự giúp đỡ... Cha mẹ nên thỉnh thoảng cho trẻ xem lại để có thể ghi nhớ lâu hơn.
Thực hành các tình huống giả định với trẻ
Để trẻ có thể biết cách ứng phó khi đi lạc, cha mẹ hãy thường nhắc nhở những bài học ở trên nhiều lần. Đặc biệt là trước khi đưa trẻ đến một địa điểm đông đúc như công viên, sân chơi hoặc khu vực công cộng khác.
Cha mẹ không nên đặt con mình vào tình huống nguy hiểm khi luyện tập. Trung tâm Quốc gia về trẻ mất tích và bị bóc lột khuyến nghị các bậc phụ huynh nên đặt ra một số trường hợp giả định thông qua những câu hỏi sau:
Trẻ sẽ làm gì nếu trẻ không nhìn thấy cha mẹ?
Trẻ sẽ làm gì nếu không tìm thấy cảnh sát, bảo vệ hay nhân viên cửa hàng để nhờ sự giúp đỡ?
Trẻ sẽ làm gì nếu một người lạ nói rằng, đi với họ để tìm được cha mẹ? Hay trẻ sẽ làm gì nếu người lạ cho quà bánh?
Thực hành các tình huống giả định với trẻ như “Trẻ sẽ làm gì nếu một người lạ cho quà bánh?”. Khi cha mẹ đưa trẻ ra ngoài chơi, hãy cho bé thực hành những lời khuyên ở trên với người lạ. Sau đó cha mẹ hãy hỏi những người lớn xung quanh về cách mà trẻ đã tiếp cận với họ khi đi lạc. Từ đó chỉ dạy thêm cho trẻ về kỹ năng này.
Trên đây là 6 cách đơn giản để giúp trẻ ứng phó khi đi lạc, cha mẹ hãy thường xuyên nhắc nhở định kỳ những cách này với bé. Thêm vào đó, hãy giúp trẻ ghi nhớ thông tin một cách thú vị và dễ dàng nhất.