Có nhiều cha mẹ dù trưởng thành về thể chất nhưng lại chưa trưởng thành về cảm xúc, điều này vô tình gây ra những hiệu quả tiêu cực cho con cái.
1. Cha mẹ luôn luôn tập trung vào bản thân mình trước
Tiến sĩ Lindsay C. Gibson - nhà tâm lý học lâm sàng cho biết, một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của sự chưa trưởng thành về mặt cảm xúc là tính ích kỷ và sự thu hẹp suy nghĩ chỉ xoay quanh bản thân mình.
"Một người trưởng thành sẽ xem xét đến cả cảm xúc và suy nghĩ của những người khác. Nếu họ không thể làm được điều đó, họ không tôn trọng quyền cá nhân của bạn"- theo Gibson.
Một số bậc cha mẹ không giỏi trong việc hỗ trợ tinh thần. Khi trẻ lo lắng hoặc buồn phiền về điều gì đó, cha mẹ gạt bỏ những cảm xúc của trẻ. Ảnh minh họa
2. Cha mẹ chỉ biết chăm sóc nhu cầu vật chất của con
Hầu như cha mẹ nào cũng giỏi trong việc đảm bảo các nhu cầu về vật chất của con cái như đồ ăn, nhà cửa, giáo dục, chăm sóc trẻ khi ốm...
Tuy nhiên, một số bậc cha mẹ lại không giỏi trong việc hỗ trợ tinh thần. Khi trẻ lo lắng hoặc buồn phiền về điều gì đó, cha mẹ gạt bỏ những cảm xúc của trẻ vì không thể hiểu được tại sao một đứa trẻ đang trong cảnh chăn ấm, nệm êm lại có thể có điều gì để phàn nàn.
3. Cha mẹ có hành vi không ổn định
Cha mẹ chưa trưởng thành về mặt tình cảm và cảm xúc rất dễ bị ảnh hưởng bởi người khác hay các yếu tố bên ngoài tác động vào. Tâm trạng của họ có thể thay đổi thường xuyên, cũng như cách họ tương tác với con mình.
Họ có thể tham gia rất nhiều vào cuộc sống của con mình trong một khoảng thời gian nhất định và sau đó đột nhiên trở nên không quan tâm và dè dặt hơn.
4. Cha mẹ không quan tâm đến quan điểm của con
Một dấu hiệu khác của bậc cha mẹ chưa trưởng thành về mặt cảm xúc là sự thiếu đồng cảm. Khi con cái và họ bất đồng quan điểm, họ luôn coi quan điểm của họ là đúng bất kể nó vô lý đến mức nào.
Gibson chia sẻ: "Khi có điều gì đó khiến họ cảm thấy không thoải mái hoặc thấy lòng tự trọng bị tổn hại, họ sẽ cố gắng thay đổi nhận thức của đối phương. Họ thực sự không thể tiếp nhận quan điểm của người khác".
Một dấu hiệu khác của bậc cha mẹ chưa trưởng thành về mặt cảm xúc là sự thiếu đồng cảm. Ảnh minh họa
5. Cha mẹ không biết cách thể hiện cảm xúc của mình
Các bậc cha mẹ thường không thấy thoải mái với việc bày tỏ lòng mình. Thực tế là trẻ cần phải biết rằng chúng được yêu thương thế nào.
Điều này có thể là do chính họ từng được nuôi dưỡng theo cách không bộc lộ được cảm xúc. Khi lớn lên, họ sợ mình sẽ bị đánh giá là yếu đuối khi để lộ tình cảm sâu sắc, gần gũi quá mức với con.
6. Cha mẹ thường tức giận mỗi khi con làm sai
Một phần của việc không thể bộc lộ cảm xúc thật của mình là do bạn không biết cách kiểm soát chúng. Vì vậy, các bậc cha mẹ chưa trưởng thành về mặt cảm xúc có thể mất bình tĩnh và thậm chí đổ lỗi cho con mình về bất cứ điều gì khiến họ khó chịu.
Khi còn nhỏ, bạn có thể rất cẩn thận về những gì bạn nói hay làm xung quanh cha mẹ vì bạn sợ điều đó sẽ khiến họ tức giận.
7. Cha mẹ không nhận lỗi hoặc cố gắng cải thiện
Do chỉ tập trung vào bản thân và không tiếp nhận quan điểm khác nên những bậc cha mẹ chưa trưởng thành về mặt cảm xúc khó có thể đưa ra lời xin lỗi hoặc chịu trách nhiệm.
Họ không thể bình tĩnh và nghĩ về vai trò, trách nhiệm hay sai lầm của mình trong lúc cãi vã. Vì không muốn cải thiện khả năng giao tiếp của mình, gia đình họ có thể gặp phải những bất đồng giống nhau hết lần này tới lần khác.
8. Cha mẹ hành xử trẻ con
Có nhiều phụ huynh không bao giờ thể hiện cảm xúc, tình cảm của mình nhưng luôn mong đợi con cái tự hiểu được những cảm xúc mà họ đang trải qua và những gì họ cần. Nếu đứa trẻ không biết điều ấy, họ có thể cảm thấy khó chịu và khiến đứa trẻ thấy tội lỗi.
9. Cha mẹ chỉ xuất hiện trong những tình huống nhất định
Dù chu cấp học phí đại học cho bạn, chăm sóc chu đáo cho bạn những lúc ốm đau, vẫn có khả năng rằng cha mẹ thực chất "chưa trưởng thành về mặt cảm xúc".
Tiến sĩ Lindsay C. Gibson - nhà tâm lý học lâm sàng, cũng khẳnh định: "Những bậc cha mẹ đó đã làm được nhiều điều tuyệt vời cho con cái họ. Nhưng những đứa trẻ cần nhiều hơn thế, những yếu tố khác về mặt cảm xúc của trẻ đôi khi còn quan trọng hơn những thứ vật chất, hữu hình, thực tế".
Bên cạnh đó, tiến sĩ cũng thừa nhận rằng vật chất là một yếu tố quan trọng dẫn tới thành công, cô nói: "Trưởng thành không phải chỉ có nhu cầu về mặt vật chất, thể chất. Điều quan trọng là có được sự kết nối về mặt cảm xúc giữa các bậc cha mẹ và con cái".