5. Tặng quà thật nhiều
Liên tục tặng quà cho trẻ bằng những món đồ xa xỉ mỗi khi trẻ làm tốt việc gì đó, về lâu dài chỉ khiến trẻ trở thành người thiên về vật chất mà thôi, trẻ sẽ bắt đầu mong đợi một món quà mỗi khi làm được một việc tốt.
Thay vào đó, mẹ hãy khen ngợi và khuyến khích trẻ khi có hành vi tốt thay vì mua quà. Đơn giản vì lời khen của mẹ có ý nghĩa hơn nhiều với con bạn và nó là động lực để con làm tốt hơn nữa trong tương lai.
Ảnh minh hoạ
6. Buộc con phải làm theo ý mình vì nghĩ đó là tốt
Ngoài 2 kiểu tình yêu trên thì còn có 1 kiểu tình yêu nữa ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ. Đó là cha mẹ nhân danh tình yêu để ép buộc con phải làm theo ý mình. Họ không thích trẻ làm những điều mà họ cho là xấu, là không tốt cho trẻ. Chẳng hạn trẻ không thích ăn món nào đó, nhưng cha mẹ vẫn gắp vào bát, ép trẻ ăn bằng được vì "nó tốt cho sức khỏe của con", "ăn cho có chất"... Cha mẹ ép trẻ phải ăn, mặc kệ khuôn mặt của trẻ đang vô cùng nhăn nhó.
Dù không nhất thiết phải buông bỏ hoàn toàn và để con cái tự quyết định, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng đội lên những đứa trẻ "cái mũ của tình yêu". Nếu chúng ta cứ làm như vậy sẽ chỉ mang lại vô số áp lực cho con cái chúng ta. Vì vậy khi đối mặt với vấn đề này, cha mẹ nên dành một chút thời gian, một chút kiên nhẫn và tôn trọng con nhiều hơn.
Hãy lắng nghe tiếng nói của trẻ, để có thể cùng trẻ vượt qua sóng gió. Nếu không, giữa cha mẹ và con cái chắc chắn sẽ nảy sinh mâu thuẫn. Cha mẹ và con sẽ ngày càng cách xa, thiếu sự thấu hiểu lẫn nhau.
Đừng tạo áp lực quá lớn cho trẻ, thay vào đó hãy cho trẻ một môi trường phát triển tự do. Tất nhiên sự tự do cũng cần khuôn khổ, sự đồng hành cẩn thận của cha mẹ.
7. Không để con gặp thử thách, giải cứu chúng quá nhanh
Không ít phụ huynh bao bọc con cái quá mức. Không dám để cho con ra ngoài chơi vì sợ con ốm, sợ quần áo bẩn, sợ con bị ngã, gặp người xấu... Bên cạnh đó, mỗi khi con gặp rủi ro, tai nạn nhỏ như không bước được lên cầu thang, không dám đi trong bóng tối... cha mẹ cũng nhanh chóng chạy vào giúp đỡ bé.
Tuy nhiên trẻ cần vài lần vấp ngã, cần tự xử lý những khúc mắc bản thân đang gặp phải để chúng tự tin hơn, học được nhiều kĩ năng sống hơn và để không còn quá phụ thuộc vào cha mẹ.
Nếu chúng ta cứ mãi bao bọc con, chắc chắn tâm tư chúng sẽ nảy sinh suy nghĩ tiêu cực: "Nếu tôi thất bại hay làm sai cái gì thì đã có bố mẹ hoặc người khác giải cứu giúp". Hành động này khiến trẻ dần mất đi tính tự chủ, tính trách nhiệm và trở thành người thích ỷ lại người khác.
Ít bố mẹ nào nhận ra rằng, những hành vi này của mình lại khiến con trở nên nhút nhát. Ảnh minh hoạ
Những cái cây luôn được cấp thừa mứa nước thì sẽ không cắm chặt rễ xuống đất sâu, không được ra ngoài mưa gió thì sẽ không có ý thức vươn cành. Đừng nhốt trong cái hộp kính của bảo bọc rồi lại tự hỏi vì sao con kém cỏi? Vì sao con không biết gì? Vì sao sinh ra con, mong được cậy nhờ con mà đến tuổi già sắp nhắm mắt vẫn phải lo cho việc con sẽ ra sao khi không còn mình nữa.
Có một loài đại bàng phải bay 200 dặm để tìm ra được loại thông đem về làm tổ cho các con. Đó là vì tình yêu thương. Rồi chính đại bàng mẹ phá vỡ cái tổ đó để buộc những đứa con phải tập bay khi bị rơi xuống. Đó cũng là yêu thương, nhưng là yêu thương sáng suốt.
Bố mẹ hãy học cách yêu thương con như đại bàng mẹ. Bởi nếu không xuống nước thì trẻ không bao giờ có thể tập bơi. Bố mẹ đừng quá tin vào cái phao cứu sinh, nó không thể trở thành một phần cơ thể giúp con nổi trên mặt nước được.
Cái cây sống trong nhà kín bao giờ cũng yếu ớt hơn cái cây ngoài trời. Trẻ con cũng vậy, những đứa trẻ được bảo bọc cũng không thể mạnh mẽ, hiểu biết như những đứa trẻ tự lập.
Nếu có 60 phút mỗi ngày để làm thay con, hãy dành 30 phút đó để dạy con tự làm, 30 phút còn lại hãy dắt con ra ngoài khám phá thế giới. Đừng giam giữ con trong bốn bức tường, chỉ tù nhân mới đáng bị như vậy. Đừng làm thay con mọi thứ, chỉ có người khuyết tật đặc biệt nặng mới cần được như vậy. Đừng tàn tật hóa con trẻ.