(GDTĐ) - Vì bản tính hiếu động, tò mò, nên trẻ rất dễ bị lạc khi đi cùng cha mẹ hoặc người thân đến những nơi đông người như chợ, siêu thị, công viên, trung tâm giải trí... Cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ một số kỹ năng phòng tránh và ứng phó khi bị lạc.
Dạy con tính tự lập, mạnh mẽ: Trước hết, phụ huynh cần rèn cho con có được tính tự lập, mạnh mẽ để chắc chắn bé sẽ không cảm thấy hoảng loạn hay chỉ có thể khóc khi bị lạc ở chốn đông người. Bạn thường xuyên khẳng định bằng lý lẽ với con rằng bố mẹ sẽ đến đón con khi con một mình, và mọi chuyện sẽ không sao nếu con bình tĩnh và biết cách nhờ vào sự giúp đỡ của người lớn quanh mình.
Chỉ những người bé có thể tin cậy được: Khi con bạn lớn một chút và bắt đầu biết nhận thức, các bậc phụ huynh có trách nhiệm phải dạy con tự tìm đến những nơi dễ tìm như quầy hướng dẫn, chỉ cho con cách nhận biết người mặc đồng phục (cảnh sát, bảo vệ, nhân viên an ninh...) để nhờ giúp đỡ, liên lạc với bố mẹ khi gặp rắc rối như lạc đường. Tuyệt đối dặn bé không tự ý đi lang thang tới chỗ vắng người.
Dạy con ghi nhớ số điện thoại của bạn: Ngay từ sớm, bố mẹ nên thường xuyên nhắc với con số điện thoại của mình dạy bé ghi nhớ tên tuổi của mình, tên cha mẹ, địa chỉ nhà, trường học để phòng trường hợp đi lạc. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp bé quá sợ hãi khi bị lạc và không thể nhớ được. Bạn nên viết một mảnh giấy ghi tên, địa chỉ, điện thoại của mình để vào ba lô của con và dặn con bạn phòng khi đi lạc và đưa cho những người mang đồng phục.
Từ chối và cảnh giác với người lạ: Bạn nên dặn con tuyệt đối không nghe lời rủ rê đi theo người lạ, không nhận quà bánh, kẹo của người lạ cho. Nếu trường hợp có người lạ dắt đi, đầu tiên phải hét thật to và giãy giũa nhằm gây sự chú ý cho mọi người xung quanh biết và giải cứu.
Trang bị một vài món đồ phòng thân: Bạn có thể cân nhắc việc trang bị cho con một chiếc điện thoại rẻ tiền khi ra ngoài. Dạy con cách sử dụng điện thoại và lưu một vài số điện thoại gọi khẩn cấp như 113,...nếu bé bị lạc thì có thể gọi cho bạn, người thân trong gia đình hoặc công an an ninh. Ngoài ra, bạn nên chuẩn bị sẵn cho bé một vài món đồ trong ba lô như một chiếc còi, một chai nước, vài viên kẹo trong lúc bé chờ đợi.
Tập cho con quan sát đường đi: Dạy con chú ý quan sát đường về nhà bằng cách hỏi đường đi và nhắc nhiều lần. Chỉ cho con cách quan sát môi trường xung quanh mình mỗi khi trẻ đi một mình, cho dù là đường từ trường về nhà hay con đường đến nhà bạn.
Cho trẻ học bơi và kiến thức sơ cấp cứu: Với trẻ từ 9 tuổi trở lên, bố mẹ nên dạy trẻ học bơi để đề phòng trường hợp không mong muốn, nhưng cần dặn trẻ không lại gần các khu vực ao, hồ khi không có sự giám sát của người lớn, không nhảy xuống nước nếu thấy có người bị đuối nước mà cần nhanh chóng đi gọi người lớn ở gần đó đến cứu. Dạy trẻ cách tự sơ cứu khi bị ngã chảy máu, luôn trang bị các dụng cụ cần thiết cho việc sơ cứu vết thương trên người trẻ