Người lao động chắt chiu từng đồng cân đối cuộc sống
Trái ngược với thực trạng người dân gặp khó khăn khi phải è lưng cõng thuế, thu ngân sách từ sắc thuế này ngày càng tăng. Số liệu từ Tổng cục Thuế cho thấy, năm 2022, thu Thuế TNCN đạt gần 167 nghìn tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2021 và đạt mức cao nhất trong 10 năm qua.
Anh Nguyễn Lê Giang (Hà Nội) cho rằng, kết quả thu Thuế TNCN cho thấy, người đóng thuế đã và đang thực sự có trách nhiệm với ngân sách quốc gia. Tiềm năng từ Thuế TNCN còn rất lớn nếu biết nuôi dưỡng và có chính sách động viên hợp lý.
“Từ chỗ tỷ trọng không có gì đáng kể, đến nay Thuế TNCN trở thành nguồn lực quan trọng của ngân sách. Quan trọng hơn, đó là nguồn thu phát sinh từ chính nội lực bền vững của người dân, thể hiện rõ tầm vóc cực kỳ quan trọng của sức dân trong một nền kinh tế mới nổi. Ngành Thuế cần có giải pháp duy trì và phát huy thế mạnh của nguồn lực này, để cho mọi người đều cảm thấy tự tin, tự hào khi nộp thuế, chứ không phải ngược lại”, anh Giang đề xuất.
Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đổi mới và phát triển bền vững (Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) đánh giá, hiện nay, một công nhân hay sinh viên mới ra trường đi làm với thu nhập 11 triệu đồng đã phải đóng thuế. Trong khi đó, họ phải lo tiền thuê nhà, chưa kể ốm đau hay nhu cầu giải trí. Vì vậy, ngưỡng đánh thuế 11 triệu đồng là quá thấp, cần nâng lên mức tối thiểu 15 - 16 triệu đồng/tháng.
Cần tăng ngay mức giảm trừ gia cảnh
Trước bất cập của Thuế TNCN, cơ quan dự thảo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023 đề xuất một số sửa đổi. Trong đó, một trong những điểm sửa đổi đề cập phương án nghiên cứu cắt giảm số bậc thuế từ 7 xuống 5. Bên cạnh đó, cơ quan thuế có thể xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn với những người có thu nhập cao.
Một trong những quy định được người dân quan tâm là nâng mức giảm trừ gia cảnh. Tuy nhiên, ngành Thuế vẫn duy trì quan điểm, chỉ khi số giá tiêu dùng (CPI) tăng 20% sẽ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi lạm phát tăng 20% là quá cứng nhắc. Theo ông Thịnh, không thể điều hành thuế theo lạm phát, vì mỗi năm, mức sống của người dân tăng lên.
“Nhu cầu của người dân tăng dần, từ ăn no mặc ấm sang ăn ngon mặc đẹp rồi đi du lịch, vui chơi. Nhu cầu của người dân mỗi năm khác biệt, tại sao lại cố định giảm trừ gia cảnh theo lạm phát? Các nước khác tiến tới giảm dần mức Thuế TNCN để hỗ trợ người dân, khuyến khích người dân lao động sáng tạo, nâng cao thu nhập. Cần phải thay đổi tư duy, xây dựng chính sách thuế hợp lý để khuyến khích người lao động sáng tạo”, ông Thịnh kiến nghị.
Trong 10 năm kể từ khi áp dụng luật Thuế TNCN, lương tối thiểu vùng tăng 9 lần nhưng giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc chỉ mới điều chỉnh được 1 lần vào giữa năm 2020.
Trước đó, trong báo cáo gửi trước kỳ họp Quốc hội, cử tri nhiều địa phương đề nghị sửa đổi Luật Thuế TNCN. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cho biết, ngưỡng chịu thuế 11 triệu đồng/tháng và giảm trừ gia cảnh cho mỗi người phụ thuộc là 4 triệu đồng/tháng hiện không còn phù hợp với giá thực tế và chi phí bình thường cho nhu cầu cuộc sống. Cần nâng ngưỡng chịu thuế và mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc phù hợp với thực tế hiện nay”.