Giáo dục

Chấm thi tốt nghiệp THPT môn tự luận: Tránh máy móc, rập khuôn theo đáp án

03/07/2024 17:38

Những năm gần đây, đề thi Ngữ văn ra theo hướng mở, thí sinh có thể sáng tạo, diễn đạt theo cách rất riêng.

Việc chấm hàng loạt bài thi đa dạng mà vẫn bảo đảm tính khách quan, công bằng, chính xác, ghi nhận được sự nỗ lực và sáng tạo của học sinh là thách thức lớn với cán bộ chấm thi.

Những lỗi thường gặp

Nhiều năm được cử tham gia chấm thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn, cô Nguyễn Thị Diệu Hiền - giáo viên Trường THPT Đặng Trần Côn (Thừa Thiên Huế) chia sẻ một số lỗi cán bộ chấm thi hay gặp, có thể thiệt thòi cho thí sinh. Trong đó có việc thầy cô chấm không đều tay, quan điểm không đồng nhất giữa các giám khảo khi chấm độc lập và khi thống nhất điểm. Giám khảo phụ thuộc quá máy móc vào đáp án, đếm ý để chấm hoặc chấm sót ý dẫn đến độ lệch giữa 2 lần chấm cũng là nguyên nhân thiệt thòi cho thí sinh.

Đối với phần viết bài nghị luận văn học, gặp những bài viết dài, thời gian để giám khảo đọc bài hạn chế nên chưa đọc kỹ, đọc sâu, không phát hiện điểm nhấn trong bài, nên việc đánh giá bài làm dừng ở mức điểm cầm chừng, chưa mạnh dạn cho điểm cao. Có trường hợp bài làm của học sinh lộn xộn, phần đọc hiểu không trả lời theo thứ tự các câu hỏi; có em làm bổ sung cuối bài, điều này cũng tạo tâm lý không thiện cảm cho giám khảo, dẫn đến việc thầy cô không ghi nhận hết phần bổ sung khiến các em mất điểm phần đọc hiểu.

“Thường ở đáp án và hướng dẫn chấm phần làm văn (câu nghị luận xã hội 2 điểm, câu nghị luận văn học 5 điểm), có điểm dành cho sáng tạo (0,5 điểm) và chữ viết, dùng từ đặt câu (0,25 điểm). Nếu giám khảo không để ý mục này để cộng điểm sau khi nhìn tổng thể bài làm cũng dẫn đến thiệt thòi đối với những bài làm chữ đẹp, diễn đạt lưu loát, chuẩn chính tả”, cô Nguyễn Thị Diệu Hiền lưu ý thêm.

Cũng chỉ lỗi thường gặp khi chấm thi, cô Nguyễn Thị Hoa Quý - giáo viên Ngữ văn khối THPT Hệ thống Trường liên cấp Newton nhắc đến áp lực tốc độ chấm và một số lý do khác có thể dẫn đến giám khảo đọc lướt, không kỹ câu trả lời; không ghi nhận hết ý trả lời của học sinh. Ngoài ra, có giám khảo dựa theo gợi ý đáp án một cách cứng nhắc, thiếu linh hoạt dẫn đến bỏ sót phát hiện đáng ghi nhận trong bài làm.

Chấm bài làm văn nghị luận văn học, giám khảo chỉ chú trọng đọc kỹ mở bài, dựa vào ý chính, không đọc kỹ nội dung phân tích, diễn đạt cũng có thể tạo nên những đánh giá gây thiệt thòi cho học sinh. Sự cảm tính cá nhân, thiếu đều tay dù đã có bước chấm chung và hướng dẫn chấm chi tiết cũng dễ xảy ra và gây thiệt thòi về điểm số. Một lỗi khác là giám khảo rập khuôn theo trình tự luận điểm/ý của hướng dẫn chấm mà không nhìn nhận tổng quát bài làm của học sinh khi các em có hướng triển khai riêng trong bài làm văn…

Đếm ý cho điểm, chấm bài làm Ngữ văn máy móc, rập khuôn theo đáp án, không thấy được sự sáng tạo trong bài làm học sinh cũng là những lỗi ThS Trần Thị Thanh Hoa - giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên Huế) chỉ ra khi chấm bài thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT.

cham thi tot nghiep thpt mon tu luan3.jpg
Ảnh minh họa ITN.

Đề “mở”, chấm thi cũng phải “mở”

Nhấn mạnh tinh thần đề “mở”, việc chấm cũng “mở” để ghi nhận được quan điểm cá nhân của thí sinh, cô Nguyễn Hoàng Hồng Châu - Tổ trưởng chuyên môn Tổ Ngữ văn, Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu, tỉnh An Giang cho biết: Đáp án, hướng dẫn chấm của Bộ GD&ĐT luôn có điểm để ghi nhận sự sáng tạo của học sinh trong cả hai phần viết: Nghị luận xã hội và nghị luận văn học; đồng thời cho khung điểm để ghi nhận sự linh hoạt, chiều sâu bài viết của học sinh, chứ không đếm ý cho điểm. Hướng dẫn chấm cũng luôn lưu ý cho điểm đầy đủ các diễn đạt khác mà đúng ý học sinh, không cứng nhắc theo diễn đạt của đáp án.

Chia sẻ kinh nghiệm chấm thi, cô Nguyễn Thị Hoa Quý cho rằng, thầy cô cần đọc kỹ bài làm, đặc biệt những phần trả lời khác hướng so với hướng dẫn chấm, đánh giá dựa trên tổng quan về vấn đề tránh phiến diện, định kiến. Với bài làm văn, không chấm theo cách đối chiếu ngang từng ý/từng luận điểm với hướng dẫn chấm, mà cần đọc tổng thể, đọc hết bài làm rồi đánh giá và cân đối điểm từng phần/tổng điểm. Cần ghi nhận những quan điểm cá nhân, sự sáng tạo của học sinh trên cơ sở bài làm có lý giải thuyết phục, logic.

ThS Trần Thị Thanh Hoa thì cho rằng, cán bộ chấm thi phải nghiên cứu kỹ đề và đáp án, tùy theo từng câu hỏi của đề để định hướng cách chấm bài. Với dạng câu đọc hiểu không nên chấm máy móc theo đáp áp. Nếu học sinh trả lời tương tự như những ý trong đáp án vẫn ghi nhận cho các em. Những bài làm trả lời sâu sắc, thể hiện sự sáng tạo của học sinh cần khuyến khích. Phần làm văn, thầy cô trên cơ sở đáp án để xác định ý và tìm ý cho bài làm học sinh; tránh trường hợp đếm ý cho điểm mà nhìn bài làm một cách tổng quát rồi kết luận điểm.

“Với dạng đề mở như hiện nay, cần tôn trọng những ý kiến riêng, mới lạ của các em trong bài, không rập khuôn máy móc; tinh thần là “gạn đục khơi trong” để khuyến khích học sinh có năng lực”, ThS Trần Thị Thanh Hoa chia sẻ.

Để phát hiện sự sáng tạo của học sinh, cô Nguyễn Thị Diệu Hiền cho biết, đầu tiên nhìn toàn bài, cách đặt vấn đề, nêu vấn đề mới mẻ, cách kết bài tạo được dư ba không máy móc. Tiếp theo nhìn trong đoạn văn, phát hiện có những ý mới, luận điểm hoặc luận chứng mới hoặc toàn đoạn toát lên một ý mới, dẫn được dẫn chứng hay. Cuối cùng là cấp độ câu, mới về nội dung hoặc về hình thức biểu hiện, có thể sử dụng thành công những biện pháp tu từ nghệ thuật về câu.

“Tất nhiên, sự phát hiện theo các mức độ trên chỉ là tương đối và đó là những mức độ điển hình, tiêu biểu, phổ biến hơn cả. Trong thực tiễn đọc bài của học sinh thì những yếu tố mới, riêng của các em xuất hiện đa dạng, phức tạp hơn nhiều.

Khi chấm đối với những bài văn xuất sắc, giám khảo phải vừa là người có tâm vừa phải có tầm thì mới phát hiện và ghi nhận được năng lực sáng tạo của học sinh để cho điểm xứng đáng. Học văn là học làm người, mỗi em sẽ có sự linh hoạt riêng của mình để đưa vào bài thi. Người chấm cần đọc thật kỹ để phát hiện ý trong câu văn của học sinh và cũng có tiếng nói chung khi thống nhất để ghi nhận quan điểm riêng và sự sáng tạo của các em”, cô Nguyễn Thị Diệu Hiền nêu quan điểm.

Theo quy định tại Quy chế thi tốt nghiệp THPT, mỗi bài thi tự luận (Ngữ văn) được chấm hai vòng độc lập bởi hai cán bộ chấm thi của hai tổ chấm thi khác nhau. Sau khi chấm lần thứ nhất, thành viên Ban Thư ký Hội đồng thi rút toàn bộ các phiếu chấm thi ra; sau đó, giao các túi bài thi cho trưởng môn chấm thi hoặc tổ trưởng tổ chấm thi, được trưởng môn chấm thi ủy quyền, để tổ chức bốc thăm cho lần chấm thứ hai; bảo đảm không giao trở lại túi bài thi đã chấm cho chính người đã chấm lần thứ nhất. Điểm giữa hai lần chấm được thống nhất theo quy định tại quy chế.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/cham-thi-tot-nghiep-thpt-mon-tu-luan-tranh-may-moc-rap-khuon-theo-dap-an-post690174.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/cham-thi-tot-nghiep-thpt-mon-tu-luan-tranh-may-moc-rap-khuon-theo-dap-an-post690174.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chấm thi tốt nghiệp THPT môn tự luận: Tránh máy móc, rập khuôn theo đáp án