Những năm qua, hàng nghìn học sinh dân tộc thiểu số tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được tiếp sức bằng nhiều chương trình học bổng, mô hình giáo dục hỗ trợ thiết thực...
Gia đình ông Danh Mạnh (68 tuổi, trú tại xã Đông Yên, An Biên, Kiên Giang), có 4 người con từng học tại Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang. Hiện có hai người làm giáo viên, một người làm y sĩ, một người công tác trong ngành Công an. Đối với ông Mạnh, đây chính là ngôi trường đã chắp cánh ước mơ cho các con.
Gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đông con nên ông Mạnh từng lo lắng về con đường học hành của các con. May mắn thay, cả bốn người con được học tại Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú.
“Là người Khmer nên các con tôi được hưởng nhiều chính sách ưu đãi khi theo học tại trường. Không chỉ miễn học phí, các cháu còn nhận được tiền hỗ trợ, học bổng và thầy cô quan tâm, tạo điều kiện học tập. Học ở trường không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn dễ dàng liên thông lên cao đẳng, đại học hoặc tìm việc làm. Nhờ vậy, đến nay các cháu có sự nghiệp ổn định và thành đạt”, ông Mạnh nói.
Anh Danh Phúc Nghiêm (25 tuổi, trú ở xã Vĩnh Phước B, Gò Quao), tốt nghiệp Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang cách đây 5 năm. Hiện anh có thu nhập hơn 15 triệu đồng/tháng từ nghề thú y.
Có thu nhập ổn định và sống gần gia đình, anh Nghiêm chia sẻ: “Quá trình học tại trường, tôi được thầy cô rèn luyện nhiều kỹ năng, thường xuyên thực hành, đi thực tế nên dễ dàng làm quen với công việc. Sau khi tốt nghiệp, tôi vừa làm vừa học liên thông lên cao đẳng. Khi tích lũy đủ kinh nghiệm và vốn, tôi về quê mở cơ sở bán thức ăn cho động vật và dịch vụ chăm sóc thú nuôi. Hiện thu nhập của tôi tốt, có thời gian phụng dưỡng cha mẹ”.
Mỗi năm, Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang có hơn 87% học sinh tốt nghiệp trung cấp có việc làm, với thu nhập bình quân từ 6 - 15 triệu đồng/tháng. Sau hơn 14 năm hoạt động, hàng nghìn học sinh của trường đã hiện thực hóa được ước mơ. Nhiều gia đình có 3 - 4 thành viên từng học tại trường đều có công việc ổn định, mức thu nhập khá.
Ông Đỗ Anh Khoa - Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, để hỗ trợ học sinh tìm việc làm sau tốt nghiệp, trường định kỳ phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, doanh nghiệp và nhà tuyển dụng để tổ chức các buổi tuyển dụng, làm cầu nối giữa người lao động và doanh nghiệp.
“Đồng thời, chúng tôi đẩy mạnh tuyển sinh xuất khẩu lao động sang các thị trường tiềm năng như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… nhằm tạo điều kiện để con em người dân tộc thiểu số có việc làm ổn định sau khi ra trường”, ông Khoa nhấn mạnh.
Tại An Giang, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh là một trong những điểm sáng về hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số. Ngoài chăm lo học tập, trường còn tổ chức nhiều hoạt động kỹ năng sống, hướng nghiệp và gìn giữ bản sắc văn hóa. Ông Nguyễn Thanh Tùng - Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Nhiều học sinh đến từ vùng sâu vùng xa, ban đầu không nói rõ tiếng phổ thông. Nhưng nhờ được hỗ trợ đúng lúc, các em đã tiến bộ vượt bậc. Nhiều em giờ đã là cán bộ, kỹ sư quay về phục vụ địa phương”.
Cùng chung mục tiêu đào tạo học sinh dân tộc thiểu số, Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho học sinh, sinh viên. Trường miễn học phí 100% cho học sinh trung cấp; thường xuyên tổ chức giao lưu văn nghệ, thể thao và tuyên truyền pháp luật.
Năm học 2023 - 2024, trường cấp học bổng hằng tháng, đồ dùng cá nhân, khám sức khỏe, thẻ bảo hiểm y tế, tiền tàu xe cho 182 học sinh nội trú với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng; vận động doanh nghiệp hỗ trợ 20 học sinh vượt khó học tốt với tổng số tiền 100 triệu đồng; đồng thời xác nhận cho hơn 150 học sinh, sinh viên vay vốn.
Không chỉ các cơ sở giáo dục, nhiều tổ chức xã hội và doanh nghiệp cũng tích cực góp phần hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số. Tại Tiền Giang, chương trình MOM - Chắp cánh ước mơ đã đồng hành cùng hơn 4.000 học sinh có hoàn cảnh khó khăn từ năm 2011 đến nay, với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng.
Tại Cà Mau, Quỹ học bổng Vừ A Dính trong hơn 10 năm qua đã trao hơn 1.200 suất học bổng cho học sinh nghèo. Em Nguyễn Thị Hồng Mai, học sinh huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), chia sẻ: “Trước đây, em tưởng mình sẽ không thể tiếp tục học vì gia đình quá nghèo. Nhưng nhờ học bổng, em có thêm niềm tin và quyết tâm theo đuổi ước mơ trở thành giáo viên”.
Dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng việc học tập của học sinh dân tộc thiểu số ở Đồng bằng sông Cửu Long còn đối mặt với nhiều thách thức. Cơ sở vật chất trường lớp xuống cấp, thiếu giáo viên dạy song ngữ, điều kiện sống thiếu thốn… là những vấn đề tồn tại lâu dài.
Vì vậy, việc chắp cánh ước mơ cho học sinh dân tộc thiểu số không chỉ là câu chuyện của từng địa phương, mà là bài toán tổng thể về phát triển con người, xóa nghèo bền vững, bảo tồn văn hóa dân tộc nên cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ chính quyền, doanh nghiệp và toàn xã hội.