Nhiều học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn đã được tiếp sức thông qua Quỹ khuyến học Dương Kỳ Hiệp. Như trường hợp của em Tạ Thanh Tân, học sinh Trường THPT An Ninh (huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng). Gia đình em quá khó khăn, có lúc em định bỏ học nhưng thầy cô, nhà trường động viên và Quỹ học bổng Dương Kỳ Hiệp đã hỗ trợ kịp thời.
Thanh Tân chia sẻ, hoàn cảnh của em không may mắn như những bạn bè cùng trang lứa, bởi tuổi thơ em đã phải sống trong sự thiếu thốn về vật chất, cũng như tình thương yêu của cha mẹ.
Em sống cùng bà ngoại. Những lúc quá khó khăn, hai bà cháu sống nhờ vào sự giúp đỡ của bà con họ hàng. Biết được hoàn cảnh của Tân, thầy cô, nhà trường luôn động viên, hỗ trợ và giới thiệu em tiếp cận học bổng Dương Kỳ Hiệp.
“Nhờ có học bổng, sự động viên, hỗ trợ từ nhà trường, thầy cô nên em vượt qua khó khăn. Từ ý định bỏ học mưu sinh, em đã yên tâm học tập và xác định đây là con đường để thoát nghèo và trở thành người có ích, phục vụ quê hương. Em và ngoại rất vui mừng vì được sự hỗ trợ kịp thời từ học bổng Dương Kỳ Hiệp, nguồn hỗ trợ, động viên lớn lao cho em được đến trường như các bạn cùng trang lứa”, Thanh Tân chia sẻ.
Đặng Kỳ Tài (cựu sinh viên ngành Tin học ứng dụng Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng) cũng nhờ học bổng Dương Kỳ Hiệp tiếp sức để vượt qua khó khăn, hoàn thành khóa học, nay có công ăn việc làm ổn định. Kỳ Tài chia sẻ, gia đình có 5 người, ba làm nghề chạy xe ôm, thu nhập rất bấp bênh; mẹ bị bệnh, sức khỏe rất yếu nên chỉ lo việc nhà.
Lúc em đi học thì chị cả đang là sinh viên trường trung cấp nghề; còn một chị gái làm công nhân. Trong khi đó, bản thân em thể trạng và sức khỏe hạn chế nên khó tìm cho mình một công việc phù hợp để làm thêm, tăng thu nhập nhằm trang trải việc học.
“Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng chúng em vượt qua hoàn cảnh khó khăn để học tập tốt với niềm tin xây dựng một tương lai tươi sáng bằng chính con đường học vấn của mình.
Thật may mắn khi em được chọn nhận học bổng Dương Kỳ Hiệp. Suất học bổng này đã giúp em cũng như các bạn học sinh, sinh viên nghèo khó khác có thêm phần kinh phí để trang trải việc học tập và sinh hoạt của mình”, Tài cho biết.
Theo đại diện Quỹ khuyến học Dương Kỳ Hiệp, sinh thời, nhà cách mạng Dương Kỳ Hiệp rất quan tâm đến việc đào tạo thế hệ trẻ để xây dựng đất nước. Nhằm thực hiện ý nguyện của ông, cũng là để góp phần giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện đến trường.
Gia đình và các mạnh thường quân, các nhà tài trợ luôn quan tâm đến quê hương Sóc Trăng bằng những hành động thiết thực như xây cầu, làm đường nông thôn, cấp học bổng cho các em học sinh.
Nhà hảo tâm đồng hành cùng Quỹ khuyến học Dương Kỳ Hiệp. |
Những suất học bổng trao cho các em tuy giá trị không lớn nhưng chứa đựng niềm san sẻ yêu thương của tập thể cán bộ, người lao động của doanh nghiệp, của con cháu trong gia đình, các mạnh thường quân với mong ước chia sẻ cùng các em, để các em tiếp tục nuôi ước mơ đến trường.
Nhà giáo Nhân dân Lâm ES, nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Sóc Trăng có đông đồng bào dân tộc, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn nên việc học hành, tiếp bước các em đến trường luôn là vấn đề được ngành Giáo dục, Hội Khuyến học tỉnh quan tâm.
Để góp phần hỗ trợ phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, những năm qua, các cấp hội khuyến học Sóc Trăng đã không ngừng nỗ lực thực hiện nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Công tác vận động gây quỹ khuyến học, khuyến tài được các cấp hội thực hiện rất đa dạng, nhằm hỗ trợ học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học - tiếp sức để các em vượt qua khó khăn tiếp tục đến trường.
Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới, Quỹ khuyến học Dương Kỳ Hiệp sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, tài trợ của các cá nhân, tập thể trong và ngoài tỉnh một cách lâu dài và bền vững, nhằm góp phần đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Đây là nguồn động viên rất lớn, cổ vũ tinh thần hiếu học, tạo động lực cho các em học sinh có hoàn cảnh nghèo khó tiếp tục trên con đường học vấn. Đó là hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong việc xã hội hóa giáo dục”.