Với biên lợi nhuận như chúng tôi, nếu lãi vay lên đến 14-15% thì 'tắc thở', vì khi đó không chỉ chi phí tăng, mà các đối tác, khách hàng cũng không kinh doanh được, đơn hàng chắc chắn giảm. Đó là 'chết hai chiều'", anh Q. nói.
Thực tế, không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ lãi suất tăng nhưng một doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn của TP.HCM cũng cho biết đang căng thẳng vì đối tác, khách hàng không có tiền để trả nợ. Ông V., tổng giám đốc công ty này, cho hay nhiều hệ thống bán lẻ đang kéo dài công nợ từ mức 45-60 ngày trước đây lên đến 3 tháng.
"Họ đưa ra rất nhiều lý do, nhưng chủ yếu là do đến ngày đáo hạn, họ trả đủ nhưng nhận về chỉ 60-70%, có trường hợp không được vay lại vì 'hết room'. Các nhà cung cấp cũng rơi vào cảnh tương tự. Chúng tôi bị sức ép từ cả hai phía, gồng công nợ cho cả hai bên nên phải tăng hạn mức tín dụng. Giữa lúc lãi vay đang tăng mà vẫn phải vay thêm, vì không vay thì lấy đâu ra dòng tiền duy trì. Đau đầu lắm", ông V. giãi bày.
Trao đổi với Zing, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận dù tình trạng lãi suất tăng cao đang ảnh hưởng nặng nề đến doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhưng đây vẫn là giải pháp cần thiết và tối ưu để ổn định kinh tế vĩ mô.
Dự báo lãi suất năm 2023 tiếp tục tăng, ông khuyến nghị các doanh nghiệp sớm chủ động tính toán các phương án huy động vốn đề phòng rủi ro, cũng như có kế hoạch sử dụng vốn hiệu quả.
Trong lúc nguồn vốn gặp khó, doanh nghiệp cần chủ động lên phương án huy động và tối ưu nguồn vốn. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Trong lúc này, ông Mã Thanh Danh, Chủ tịch Công ty CP Tư vấn Quốc tế (CIB) cho rằng các doanh nghiệp phải rà soát lại chuỗi cung ứng và vòng quay hàng tồn kho nhằm tối ưu hóa dòng tiền.
"Ví dụ, nếu doanh nghiệp mua hàng xin nợ 45 ngày, thì doanh thu nhận về phải trong thời hạn này chứ không thể lâu hơn. Đây là lúc tăng chu kỳ nợ với đối tác và bán hàng nhận tiền ngay. Như vậy thì có thể tận dụng dòng tiền trong chuỗi cung ứng thay vì vay nợ", ông phân tích.
Song song, ông gợi ý các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng phương thức thanh toán bằng thư tín dụng (L/C) để được ứng trước tiền.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển lại cho rằng những khó khăn về tín dụng chỉ kéo dài trong vòng một tháng tới, qua năm 2023 vốn lưu động sẽ được giải tỏa bởi ngay lập tức có tăng trưởng hạn mức tín dụng 14%.
"Nhân viên tín dụng ngân hàng đã chuẩn bị sẵn hồ sơ, chỉ qua tháng 1 là giải ngân liền, không được hạn mức như trước nhưng sẽ được 80-90%. Do đó trong quý I/2023 nguồn vốn lưu động sẽ phục hồi. Vấn đề là doanh nghiệp phải có dòng tiền, kế hoạch kinh doanh và lịch sử tín dụng tốt", Tiến sĩ Đinh Thế Hiển dự báo.
Còn với nguồn vốn trung và dài hạn để mở rộng sản xuất kinh doanh, vị chuyên gia cho rằng cần nhiều nguồn và đòi hỏi quá trình đầu tư 5-10 năm để xây dựng những nguồn lực này.
Nói như Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, Chính phủ đang có những biện pháp đúng đắn để điều chỉnh thị trường chứng khoán, trong đó có trái phiếu. Do đó đây là giai đoạn các doanh nghiệp nên tập trung nguồn lực để hoàn thiện nhằm đáp ứng các yêu cầu huy động vốn qua các kênh khác như trái phiếu, để khi thị trường lành mạnh, các doanh nghiệp lành mạnh sẽ huy động thành công.