ChatGPT với giáo dục: Thúc đẩy sự thay đổi

Ngô Huy Tâm | 27/02/2023, 17:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Có ý kiến lo ngại, ChatGPT có thể thay thế vai trò của giáo viên, khi việc tiếp cận kiến thức ngày càng dễ dàng, thuận tiện.

ChatGPT được đào tạo bằng máy học (machine learning) để có thể giúp học sinh, sinh viên cải thiện kỹ năng viết. Một trong những tiềm năng đột phá của ChatGPT về quy trình viết học thuật là nó có thể giúp người học lên cấu trúc và hình thành ý tưởng. ChatGPT cũng có thể hoạt động như một trợ lý viết “thông minh” bằng cách cung cấp cho người dùng các đề xuất về những thay đổi hoặc cải tiến đối với phong cách viết hoặc ngữ pháp. Do đó, giáo viên Văn học hay Tiếng Anh có thể tận dụng ChatGPT để giúp học sinh đưa ra ý tưởng mới, mở rộng ý tưởng sẵn có và có thêm nhiều góc nhìn đa chiều hơn cho một vấn đề.

ChatGPT với giáo dục: Thúc đẩy sự thay đổi ảnh 2

Thay đổi hoặc tự đào thải

Mỗi nhà giáo đều có thể tận dụng thời cơ để thay đổi, cập nhật và trở nên hoàn thiện, tinh hoa hơn.

Muốn vậy, thầy cô cần làm chủ công nghệ để có thể tối ưu việc dạy và học. Hơn bao giờ hết, giáo viên cần nâng cao năng lực kỹ thuật số (digital literacy) để có thể tận dụng tối đa lợi thế của ChatGPT nói riêng và các công cụ giáo dục khác nói chung, trong việc giảng dạy. Hiện nay, nền tảng Udemy đã có khóa học online “ChatGPT for Teachers in Education” (ChatGPT cho Giáo viên trong Giáo dục), nơi giáo viên có thể hiểu và tận dụng công cụ này để thiết kế bài giảng và cá nhân hóa giáo án cũng như hỗ trợ học sinh tối đa.

Không chỉ có ChatGPT, giáo viên có thể tận dụng nhiều công cụ AI khác đang có sẵn để tối ưu, làm phong phú, sinh động bài giảng. Tại Phenikaa School, học sinh trong lớp tôi đã sử dụng Transformer - một công cụ AI giúp hỗ trợ, hình thành ý tưởng để viết tiếng Anh, hay Semantris - công cụ AI giúp học sinh mở rộng vốn từ vựng tiếng Anh…

Thứ nữa, khi thông tin và kiến thức trở nên phổ biến trong đại chúng, sách giáo khoa và bài giảng của giáo viên không còn là nguồn tri thức duy nhất. Do đó, việc chuyển đổi cách giảng dạy và đánh giá truyền thống sang các mô hình khác phù hợp với thời đại là cần thiết. Ví dụ: Mô hình lớp học đảo ngược, nơi học sinh tự thu thập, tổng hợp kiến thức ở nhà và trình bày, thuyết trình ở trên lớp các nội dung đã chuẩn bị trước đó. Các hoạt động trên lớp cũng cần được thiết kế để học sinh thể hiện năng lực và khả năng tư duy thay vì đơn thuần ghi nhớ, thuộc lòng kiến thức.

Tại Phenikaa School, mô hình lớp học đảo ngược áp dụng xuyên suốt ở nhiều môn học (Dự án Chuyển động Nhật Bản). Điều này cho học sinh cơ hội làm chủ kiến thức, là trung tâm của quá trình học tập. Đồng thời, giáo viên có thể đánh giá được các kỹ năng phân tích, tổng hợp, phản biện, giải quyết vấn đề - những kỹ năng mỗi em buộc phải rèn luyện và trau dồi chứ không thể sao chép từ bất cứ thiết bị hay công cụ nào.

Việc đánh giá học sinh dần dịch chuyển từ đánh giá định kỳ sang thường xuyên vô cùng quan trọng. Nhờ đó, giáo viên nắm được sự tương quan giữa sản phẩm với năng lực thật sự của mỗi em chính xác, tránh việc trò đạo văn hay phụ thuộc vào các công cụ hỗ trợ.

Giáo viên cần học tập, mở rộng thêm chính kiến thức chuyên ngành. Với sự giúp đỡ của công nghệ, áp lực phải ghi nhớ được giảm tải rất nhiều. Tuy nhiên, thay vào đó, bản thân mỗi người cần học, đọc và cập nhật liên tục kiến thức sâu sắc hơn về chuyên ngành của mình. Đây là điều cốt yếu để thầy cô có thể hỗ trợ, định hướng, phản biện, đưa ra lời khuyên cho học sinh ở các cấp độ tư duy cao hơn, điều mà không máy móc nào có thể thay thế được.

Thế giới đã đi qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp. Dù ít hay nhiều, mỗi cuộc cách mạng đều trải qua sự phản ứng hoặc có phần e ngại bởi sự thay đổi, dịch chuyển cơ cấu nhân sự và nghề nghiệp tất yếu. Nhưng vượt lên tất cả, thế giới đã phát triển ngày một văn minh, hiện đại; đời sống của con người ngày được cải thiện. Rõ ràng, dù muốn hay không, nền giáo dục sẽ phải đối mặt với ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ của ChatGPT. Những rủi ro tiềm ẩn đưa đến cho hệ thống giáo dục nhiều thách thức, nhưng cũng mang lại không ít cơ hội để mỗi thầy, cô giáo làm chủ công nghệ, cải thiện và nâng tầm bản thân, góp phần tích cực và tươi sáng cho bức tranh giáo dục chung.

*Tác giả Ngô Huy Tâm hiện là Chủ nhiệm Chương trình quốc tế, Trường PTLC Phenikaa, Hà Nội

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/chatgpt-voi-giao-duc-thuc-day-su-thay-doi-post626809.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/chatgpt-voi-giao-duc-thuc-day-su-thay-doi-post626809.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ChatGPT với giáo dục: Thúc đẩy sự thay đổi