Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết: “Chúng tôi đã cố gắng ở đây để tìm những cách có thể đảm bảo sự an toàn và độc lập của Armenia và sẽ làm mọi thứ trong khả năng của chúng tôi để ngăn chặn tình hình leo thang bao gồm cả việc leo thang quân sự giữa Armenia và Azerbaijan .”
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cũng lên tiếng mời các nhà lãnh đạo của Armenia và Azerbaijan tới Brussels để đàm phán ngay trong tháng này, nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nước.
Phía Tổng thống Azerbaijan cũng đã chấp nhận về lời mời về cuộc gặp 3 bên này.
Trong tuyên bố sau cuộc gặp Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị châu Âu tại Tây Ban Nha, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng ủng hộ việc tăng cường quan hệ Liên minh châu Âu (EU)-Armenia trên mọi phương diện, dựa trên nhu cầu của Armenia.
Động thái của lãnh đạo các nước châu Âu với Armenia được đặc biệt chú ý trong bối cảnh quan hệ giữa Armenia và đồng minh Nga trở nên căng thẳng, với những cáo buộc từ lãnh đạo và giới chức Armenia – rằng Nga đã làm ngơ trước tình hình tại khu vực Nagorno-Karabakh .
Ngoài ra, Quốc hội Armenia mới đây đã thông qua Quy chế Rome về Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) – cơ quan đã ra lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Putin, hướng tới việc gia nhập cơ quan này. Armenia cũng tổ chức cuộc tập trận quân sự chung với Mỹ, thay vì đăng cai tổ chức các cuộc tập trận của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO).
Trước những bước đi của đồng minh Armenia, phía Nga nhận định đó là những sai lầm. Tổng thống Nga Putin hôm qua cũng cho rằng, phía Armenia đã không nghe theo đề xuất của Nga về việc giải quyết tình hình Nagorno-Karabakh, dẫn đến hậu quả.
Tuy vậy, Nhà lãnh đạo Nga vẫn khẳng định Armenia là một đồng minh: “Armenia đã ký tuyên bố với Azerbaijan. Trong tuyên bố đó, Armenia xác nhận Nagorno-Karabakh là một phần của Cộng hòa Azerbaijan. Armenia vẫn là đồng minh của chúng tôi. Nếu có vấn đề nhân đạo - tất nhiên chúng tôi sẵn sàng và sẽ thảo luận về chúng. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ và giúp đỡ mà không cần phải nói gì.”.