Nên người dân trước khi đến với một môn thể nào nên khám sàng lọc sức khỏe để biết tình trạng sức khỏe ra sao, liệu có đủ tham gia môn thể thao đó không, tham vấn bác sĩ xem liệu khả năng gắng sức khỏe có phù hợp với bộ môn đó không, tập luyện đến mức nào.
Sau một thời gian khi đã có thành tích, người đó nên quay trở lại khám để đánh giá ảnh hưởng của môn thể thao mang lại cho bản thân để có sự điều chỉnh.
Theo bác sĩ thể thao Nguyễn Trọng Thủy, đột quỵ khi chơi thể thao nói chung, chạy bộ nói riêng xảy ra khi tập luyện với cường độ lớn, nhịp tim cũng như huyết áp thay đổi thất thường và khó kiểm soát. Đồng thời, các cơ quan này cũng hoạt động nhanh hơn bình thường rất nhiều gây ra thiếu máu lên não, từ đó não thiếu oxy và các dưỡng chất cần thiết dễ dàng dẫn đến đột quỵ.
Ngoài ra, khi tập luyện quá sức khiến cơ thể mất nước và các chất khoáng cần thiết quá nhiều trong khi người tập không bổ sung kịp thời cho cơ thể cũng là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ. Yếu tố này chính là sự ảnh hưởng khắc nghiệt về nhiệt độ, độ ẩm khiến cơ thể dễ bị rối loạn thần kinh và rối loạn điện giải.
Vận động quá lâu trong thời tiết quá nóng sẽ khiến cơ thể bị mất nước và muối, trong đó có canxi và kali. Hạ kali, tim đập nhanh, hạ huyết áp, yếu liệt, co giật và nặng sẽ tử vong. Nhiệt độ và độ ẩm từ lâu đã là những "kẻ giết người thầm lặng" không chỉ ở vận động viên mà còn xảy ra cho tất cả mọi người.
Tập thể dục thể thao luôn là một trong những phương pháp rèn luyện sức khỏe được nhiều người biết đến với vô vàn lợi ích. Thế nhưng, tập thể dục thể thao nhiều không có nghĩa là càng tập nhiều thì càng tốt.
Các chuyên gia khuyến cáo những người có bệnh mãn tính về tim mạch, huyết áp, mỡ máu, người có tiền sử bệnh phổi mãn tính, hen phế quản, người béo phì hoặc người sau 40 tuổi có thể đến gặp bác sĩ thể thao hoặc huấn luyện viên thể lực để được tư vấn tập luyện như thế nào cho phù hợp. Nếu có vấn đề gì bất thường, người dân sẽ được tư vấn chọn môn tập và chọn lượng vận động phù hợp, nếu không có thể xuất hiện các bệnh lý, tai biến.