Căn nhà gỗ gần 100 năm tuổi ở thị trấn Lahaina vẫn nguyên vẹn sau thảm họa cháy rừng dù các ngôi nhà xung quanh đều cháy rụi. Ảnh: Getty
Insider ngày 22/8 đưa tin, vụ cháy rừng kinh hoàng xảy ra ở Maui, Hawaii, Mỹ từ đầu tháng 8 đã tàn phá thị trấn Lahaina, biến gần như mọi ngôi nhà thành đống đổ nát. Tuy nhiên, một ngôi nhà gỗ ở thị trấn này bất ngờ trụ vững và gần như không có dấu vết nào cho thấy một thảm họa cháy rừng vừa xảy ra.
Chủ nhân của ngôi nhà gỗ đã bị sốc khi thấy nó vẫn nguyên vẹn sau đám cháy. Họ cho biết không làm bất cứ điều gì để chống cháy cho ngôi nhà vì khi đó còn lo cho tính mạng của gia đình.
"Nó giống như một sản phẩm của photoshop vậy", chủ nhà Trip Millikin nói với truyền thông địa phương. "Ngay cả chiếc xe bên cạnh nhà cũng gần như không bị phá hủy".
Theo chuyên gia, có một số yếu tố giúp ngôi nhà gỗ của gia đình Millikin trụ lại sau thảm họa cháy rừng.
Pat Durland, cựu giám đốc bộ phận kiểm soát cháy rừng địa phương, cho rằng: "Đó không phải một phép lạ hay may mắn".
Không gian thoáng đãng, không có thảm thực vật quanh ngôi nhà được cho là một trong những lý do giúp căn nhà "sống sót".
Trip Millikin và vợ là Dora Atwater Millikin mua căn nhà vào năm 2021. Khi đó, ngôi nhà đã xuống cấp vì vậy gia đình Millikin quyết định cải tạo nó.
Chia sẻ với Los Angeles Times, bà Atwater cho biết: "Ngôi nhà bằng gỗ 100% và chúng tôi không dùng biện pháp nào để chống cháy cho nó".
Tuy nhiên, những cải tạo của gia đình Millikin lại vô tình giúp ngôi nhà "khó bắt lửa", theo Insider. Bà Atwater cho biết, gia đình đã lát đá xung quanh nhà thay cho việc trồng cỏ hoặc cây cối.
Ngôi nhà có các yếu tố để "khó bắt lửa". Ảnh: Getty
Chuyên gia Durland nhận xét: "Điều đầu tiên tôi thấy là không gian".
Ngôi nhà nằm ở một vị trí được cho là may mắn. Phía trước là biển. Có rất nhiều khoảng không gian trống giữa ngôi nhà với các căn xung quanh. Đặc biệt, việc không có quá nhiều cây khô hoặc bụi cỏ quanh nhà giúp căn nhà "không dễ bắt lửa", ông Durland bình luận.
"Nếu có bụi rậm và cây khô ở ngay cạnh nhà, lửa có thể lan sang từ các nhà xung quanh. Sức nóng có thể làm vỡ kính cửa sổ và lửa có thể bén vào trong nhà", Susie Kocher, cố vấn lâm nghiệp của Đại học California (Mỹ), nói.
Mái nhà cũng là một yếu tố cần phải nhắc đến, theo Insider. Bà Atwater nói rằng gia đình đã thay mái nhựa bằng mái kim loại.
"Khi cháy rừng xảy ra, các tàn lửa bay trong không khí. Nếu tiếp xúc với mái nhà bằng nhựa, chúng dễ gây cháy", vợ của chủ nhà chia sẻ.
Hai tuần sau thảm họa cháy rừng kinh hoàng nhất ở Mỹ, chính quyền Maui cho biết vẫn còn hơn 800 người mất tích, ABC News đưa tin. Tính đến ngày 21/8, đã có 115 người chết vì cháy rừng.