Từ thực tế đơn vị, cô H Bê La Niê mong các ban, ngành quan tâm hơn nữa đến bộ phận nhân viên trường học; đặc biệt chính sách tiền lương cho đội ngũ này bởi họ không có phụ cấp ưu đãi và thâm niên.
“Nguyện vọng của thầy cô là có chính sách hỗ trợ phần nào về 2 phụ cấp nêu trên để có thể yên tâm công tác. Cùng công tác trong một đơn vị mà thu nhập lại thấp hơn nhiều so với giáo viên nên phần nào ảnh hưởng đến tâm tư, chất lượng công việc của đội ngũ này”, ông Phạm Viết Phúc - quyền Trưởng phòng GD&ĐT Kỳ Sơn (Nghệ An) cho hay.
Theo đại biểu Hà Ánh Phượng (đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ), nhân viên trường học là bộ phận chỉ chiếm tỷ lệ ít hơn 10% biên chế một trường học. Tuy nhiên, họ đóng vai trò quan trọng trong sự vận hành và phát triển của đơn vị.
Từ thực tế, đại biểu Hà Ánh Phượng đề nghị, Quốc hội, Chính phủ trong cải cách tiền lương lần này cần quy định lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, vùng miền và theo tinh thần Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đồng thời có giải pháp tăng lương và phụ cấp cho nhân viên trường học để họ yên tâm công tác, cống hiến với nghề, đáp ứng yêu cầu dạy - học trong giai đoạn hiện nay.
Tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Trịnh Minh Bình (đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long) đề cập, nhân viên trường học có vị trí, vai trò quan trọng trong tổ chức hoạt động dạy và học của nhà trường. Tuy nhiên, hiện lương của nhóm này còn thấp. Đại biểu đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Nội vụ, khi cải cách chính sách tiền lương mới, Bộ trưởng có giải pháp nào để cải thiện lương của nhân viên trường học?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhìn nhận, đây là vấn đề thiết thực. Hiện có khoảng 150 nghìn viên chức làm nhiệm vụ hỗ trợ và phục vụ trong cơ sở giáo dục; trong đó có hơn 37.800 nhân viên kế toán. Thực chất chế độ lương với viên chức là nhân viên trường học còn thấp, chưa đảm bảo được mức lương tối thiểu vùng theo quy định.
Từ thực tế trên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Tuy nhiên, các địa phương cần tiến hành tổng rà soát lại toàn bộ nhân viên trường học. Ngoài ra, cần xem xét để có phương án rà soát, sắp xếp, đảm bảo đúng danh mục, vị trí việc làm, để chuẩn bị cho việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương với đối tượng này.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, các nhân viên trường học là viên chức, không phải công chức nên không được hưởng phụ cấp công vụ 25%. Tới đây, cải cách chính sách tiền lương mới, có thể sẽ có thiệt thòi, trong khi đó nhiều đơn vị, địa phương cũng như các bộ, ngành chưa hướng dẫn để thực hiện thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp với nhóm này.
“Có những nhân viên kế toán, 10 năm nay là viên chức nhưng chưa được thi thăng hạng”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu thực trạng và đề nghị tiến hành rà soát, hướng dẫn để xét thăng hạng cho các nhân viên đang là viên chức trong trường học.
“Làm sao đảm bảo được điều kiện khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương thì có thể thực hiện xếp lương cho họ tốt hơn”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh và cho biết, sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét đối với một số đối tượng đặc thù, vì với nhân viên trường học, họ thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ.