Tới lượt tôi, chẳng khá hơn, cũng rớt cái “chạch”. Vụ này tại tôi đen. Tôi học khá nhưng không hiểu sao cũng rớt. Tôi là niềm tự hào của ba về sự sáng dạ mà. Xe trước đổ đâu xe sau đổ đó thôi. Tôi đã chuẩn bị tinh thần để thi hành mệnh lệnh “kiếm cái nghề làm vốn rồi lấy chồng sinh con” nhưng chị Lam nói cứ để tôi học bán công. Học phí chị lo.
Tôi hỏi sao tự nhiên thương dữ, chị nói không thương, chỉ sợ nhà không ai học đến nơi đến chốn người ta cười, người ta khinh, người ta hiếp đáp. Thời buổi giờ dốt nát là nỗi nhục lớn nhất đời. Má bảo thì mầy đi làm nuôi con Tâm đi học. Má nói là để cho chị (chị cả tôi) từ bỏ giấc mơ học bán công nhưng không ngờ chị Lam chịu.
Tôi đi học, chị Lam đi làm công nhân cho xưởng hạt điều. Tôi thành sinh viên Sư phạm, chị Lam đi học nghề may. Tôi ra trường đi dạy, lấy chồng, sinh con cũng vừa lúc ngành công nghiệp may mặc cho mấy thợ may ở quê rảnh tay, chị chuyển qua học làm bánh.
Con trai tôi vô lớp 1, chị Lam mới lấy chồng. Trâu quá lứa, mạ quá thì. Má nhảy đứng nhảy ngồi, má kêu bệnh “đằng âm” nên rước thầy về nhà cúng kính, bắt chị đeo bùa đeo ngải. Nhờ người này người kia giới thiệu, mai mối, cuối cùng cũng tìm được cho chị một anh thợ hồ cứng tuổi.
Lấy chồng thợ hồ thì đúng như câu của Tú Xương: “Có chồng hờ hững cũng như không”. “Hờ hững” vì đi làm quanh năm trong Sài Gòn, Bình Dương, chỉ những ngày hiếu hỉ mới về nhà. Ban đầu mùa mưa còn ở nhà nhưng bây giờ thì không, mùa đông thợ hồ ở phố vẫn có việc để làm. Chị lấy chồng muộn, má sợ đẻ chửa khó khăn nên hối đẻ gấp gáp, hai năm sinh hai thằng. Chồng đi suốt, chị ở nhà với hai đứa con thơ.
Ở nhà với hai đứa con, ai cũng kêu sướng, lấy chồng muộn mà đẻ được hai thằng sởn sơ, lại thêm cứ ở nhà chơi, có chồng nuôi. Hổng dám sướng đâu. Hai đứa con của chị Lam thuộc diện khó nuôi, ngang hơn cua. Không có bố ở nhà, chị khổ sở với hai thằng nhỏ đến mức gầy trơ xương. Mà cũng đâu chỉ lo mỗi con cái, chuồng bò có bò, chuồng gà có gà, chuồng heo có heo. Con kêu, heo khóc, chị quay mòng mòng.
Chị em “như hai gái lấy một chồng” bây giờ mỗi người một nơi. Lớn hết rồi. Tôi không tự ái, hờn mát gì nữa. Chính xác là từ cái lần chị bảo má cho tôi đi học bán công, tôi đã xóa bỏ ý nghĩ “như hai gái lấy một chồng”.
Bây giờ, tôi áo nọ quần kia, son phấn đủ đầy mỗi ngày thì chị lậm lụi với mấy bộ đồ quê kệch. Nếu tôi tặng mấy bộ đồ hợp thời, chị nói đem về cất đấy chứ có đi đâu mà mặc. Thương quá phận nữ nhi cột chân xó bếp. Thiên nga – vịt bầu đổi ngôi. Chị em khác nhau một trời một vực, tôi cảm thấy “áy náy”.
Má bảo, phước phần của mỗi đứa. Đó là lần đầu tiên tôi thấy khuôn mặt đẫm lệ và những lời nói khó nghe được phát ra từ khuôn miệng trước nay “không biết than thở”. Chị không giống chị Lam mà tôi biết. Chị “hét” lên sau câu của má: Nếu hồi đó má chịu cho đi học bán công có phải khổ thế này không?
Con cái muốn đi học nữa mà má bảo “đi làm nuôi em, kiếm nghề, kiếm chồng, đẻ con”. Nếu nuôi không được, lo không được thì đừng có đẻ. Ôi! Sau câu nói đó, cả nhà nín khe. Nhưng tôi bức xúc. Tôi bảo: Chị hỗn rồi, xin lỗi mẹ đi! Mày ỷ làm cô giáo rồi lên mặt dạy con chị nông dân này hả? Tôi đau tê tái.
Đêm đó ở lại nhà, tôi nghe má khóc mà thương. Chị Lam trẻ người non dạ thiệt. Sao lại nỡ trách má. Hồi đó nhà khổ quá mà. Má đã ráng hết sức rồi! Ai lại đi trách cha trách mẹ, tôi giận chị Lam.
3. Tôi bị tai nạn một phần sống chín phần chết. Ngày tỉnh dậy ở bệnh viện, tôi ngơ ngác hỏi: Bữa họp gia đình ngày Tết Đoan Ngọ, chị Lam có về không? Má nói: Họp gia đình gì, mới bảnh mắt ra đã nghe tin con gặp nạn, cả nhà hoảng hốt.
Phải mất hai năm ra vào bệnh viện. Tôi cứ mãi nghĩ “cái chân đau” của mình mà quên lửng chị em.
Có bệnh vái tứ phương, rồi tôi cũng bình phục.
Hôm đó hai mẹ con đưa nhau về thăm bà ngoại. Về tới ngõ, hai thằng nhỏ con chị Lam ra quấn chân, dì ơi, dì ơi… Tôi hỏi má chị Lam đâu, má bảo gửi con vô Sài Gòn khám bệnh. Má nói sao dạo này chị ho liên tục và cứ ấm mình, uống thuốc cảm miết không hết. Vào Sài Gòn khám cho ra bệnh. Tôi liền bấm máy gọi, chị nói có kết quả rồi, phát hiện có u trong phổi, còn phải làm một số xét nghiệm nữa mới biết chính xác bệnh.
Má nhìn lên trời nói, cầu cho tai qua nạn khỏi, rồi má kể gần hai tháng tôi hôn mê, chị Lam nguyện ăn chay, cầu Trời khấn Phật gia hộ cho em gái. Tôi nghe má kể, mủi lòng khóc...