Theo Ignatius, một trong những điểm mấu chốt rút ra từ những đánh giá của Washington là xung đột Nga-Ukraine khó có thể được giải quyết trong năm nay như nhiều người ở Kiev hy vọng. Thay vào đó, Lầu Năm Góc tin rằng cuộc chiến có thể sẽ kéo dài đến năm 2024 và có thể xa hơn, nghĩa là Washington và các đồng minh sẽ phải tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine.
Lầu Năm Góc được cho là đã thúc giục các chỉ huy Ukraine ưu tiên các mục tiêu lớn và tập trung lực lượng vào các điểm đột phá tiềm năng dọc theo mặt trận Nga-Ukraine.
Các chỉ huy Mỹ cũng lo ngại Kiev đang lãng phí hỏa lực pháo binh khi sử dụng các chiến thuật thời Liên Xô. Một ước tính của Mỹ được Ignatius trích dẫn cho thấy lực lượng Ukraine đã bắn khoảng 2 triệu viên đạn pháo 155 mm kể từ khi giao tranh nổ ra vào tháng 2/2022, kéo theo đó là kho dự trữ đạn pháo của phương Tây gần như cạn kiệt.
Đầu tháng 8, tờ Washington Post cũng đưa tin Mỹ đang gặp phải tình trạng thiếu nguyên liệu thô, đặc biệt là TNT để sản xuất đạn pháo khi nước này cố gắng bổ sung kho vũ khí của mình và tiếp tục cung cấp đạn dược cho Ukraine. Theo tờ báo này việc tăng sản lượng đạn pháo lên 28.000 quả đạn pháo mỗi tháng phù hợp với mục tiêu hiện tại nhưng không đủ để thỏa mãn “cơn khát đạn pháo của Ukraine” chưa nói đến việc bổ sung cho kho dự trữ đã cạn kiệt của Washington.
Sự lựa chọn chiến thuật của Kiev trong suốt cuộc xung đột đã nhiều lần bị cả những nước phương Tây ủng hộ Ukraine cũng như Nga nghi ngờ.
Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ trích các chỉ huy của Tống thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc họ biến binh lính của mình thành bia đỡ đạn. Ông gọi quyết định ném binh sĩ Ukraine xuống bãi mìn của Nga dưới hỏa lực pháo binh là điều khó chấp nhận và nói rằng Kiev đang hành động như thể những binh sĩ này thậm chí không phải là công dân của mình.