Trong khi đó, UBND quận 10 đã xác định có 28 tuyến đường có vỉa hè rộng từ 3 m trở lên đủ điều kiện sử dụng tạm thời một phần để tổ chức kinh doanh dịch vụ mua, bán hàng hóa.
Các tuyến đường gồm: Ngô Gia Tự, Nguyễn Tri Phương, Lý Thái Tổ, Hùng Vương, Vĩnh Viễn, Bà Hạt, Lê Hồng Phong, Sư Vạn Hạnh, Nguyễn Chí Thanh, Trần Nhân Tôn, Nhật Tảo, Ngô Quyền, Ba Tháng Hai, Lý Thường Kiệt, Điện Biên Phủ, Tô Hiến Thành…
Đồng thời, quận 10 có 4 tuyến đường có vỉa hè đủ điều kiện làm điểm trông, giữ xe có thu phí, gồm: Vỉa hè phố trước nhà khách Chính phủ trên đường Lý Thái Tổ để phục vụ phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ (khoảng 420 m2); vỉa hè bên hông Bệnh viện Trưng Vương trên đường đường Lý Thường Kiệt; vỉa hè bên hông Bệnh viện Trưng Vương và trước chợ Hòa Hưng trên đường Tô Hiến Thành; vỉa hè trước chợ Hòa Hưng trên đường Cách Mạng Tháng Tám.
Tại quận 11, UBND quận đã rà soát, lập ra danh mục có 17 tuyến đường giữ xe 2 bánh không thu tiền dịch vụ và 1 tuyến đường để xe 2 bánh có thu tiền dịch vụ là Lữ Gia (từ đường Nguyễn Thị Nhỏ đến Lý Thường Kiệt).
Hiện danh sách các tuyến đường này đã được các quận gửi về Sở GTVT TPHCM, Ban An toàn giao thông TPHCM cùng Công an TPHCM xem xét thống nhất danh mục và cho ý kiến phản hồi.
Tại kỳ họp lần thứ 11 vào tháng 9/2023, HĐND TPHCM đã thông qua Nghị quyết về ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TPHCM, áp dụng từ ngày 1/1/2024. Hồi đầu năm nay, Sở GTVT TP đã có văn bản gửi UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện đề nghị địa phương khẩn trương ban hành danh mục các tuyến đường có hè phố cho phép để xe hai bánh không thu tiền dịch vụ. Đồng thời, các địa phương cần tiến hành rà soát, lựa chọn một số tuyến đường có lòng đường, hè phố đủ điều kiện sử dụng ngoài mục đích giao thông để triển khai thực hiện có lộ trình. Từ đó, công bố rộng rãi phạm vi, thời gian sử dụng tạm thời; tổ chức việc cấp phép, thông qua phương án và thu phí theo quy định. |