"Có thể chính người sở hữu thông tin đã chia sẻ thông tin của trẻ mà không biết. Điều này đã vô tình tạo điều kiện dễ dàng để kẻ xấu có ý định tạo ra các cuộc lừa đảo", bà Đinh Thị Như Hoa nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em (Bộ LĐTB&XH), cho biết hệ thống pháp luật hiện nay ở nước ta về quyền riêng tư của trẻ em và những nội dung thuộc về quyền riêng tư của trẻ em đã được quy định trong Luật Trẻ em.
Tuy nhiên, từ quy định để trở thành kiến thức kỹ năng của chính chúng ta, trong đó có các bậc phụ huynh và trẻ em thì không phải dễ dàng. Mặc dù người lớn được trang bị nhiều kiến thức kỹ năng, nhưng khi có người gọi điện thoại nói rõ tên con, trường học, lớp học thì như một phản xạ thông thường, họ đã tin tưởng ngay.
Hoặc trường hợp kẻ lừa đảo yêu cầu trẻ gái làm một số động tác đơn giản theo mẫu và dụ dỗ nếu trẻ làm theo thì sẽ được tặng một thỏi son.
"Điều này cho thấy những đối tượng có ý định xấu ở trên mạng đã nắm được tâm sinh lý của trẻ em và phụ huynh rất tốt", bà Nguyễn Thị Nga cho biết.
Theo bà Nga, để phòng ngừa lừa đảo, dụ dỗ trẻ thông qua thông tin cá nhân của trẻ bị lộ lọt, điều quan trọng nhất chính là sự quan tâm thực sự của cha mẹ và các thành viên trong gia đình. Chính những người thân sẽ đồng hành cùng con, từ việc nhận diện, xác định rủi ro và nếu trẻ bị lừa gạt thông qua các thông tin cá nhân bị lộ lọt thì cha mẹ và thầy cô phải luôn chia sẻ với các em, để giảm thiểu những tổn hại và điều đáng tiếc xảy ra với trẻ.
Thượng tá Chu Mạnh Thông, Phó Ttrưởng phòng 7 (Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công An), cho biết thêm Bộ Công an đang phối hợp với nhiều ban, ngành triển khai các hoạt động bảo vệ trẻ trên không gian mạng.
Thời gian tới, bộ tiếp tục tiến hành kiểm tra việc thi hành các quy định bảo vệ thông tin của người dùng nói chung và trẻ em nói riêng, làm sao hạn chế mức thấp nhất những thông tin cá nhân và thông tin về trẻ em được rao bán và sử dụng bất hợp pháp trên không gian mạng.