Tuy nhiên, độc giả Quỳnh Anh có quan điểm khác hẳn. Vị phụ huynh này đặt câu hỏi khá gay gắt: "Từ khi nào một nụ hôn, một cái ôm có thể khiến con người bị mất danh dự? Khi nào người trưởng thành nhất định phải không để người khác thất vọng và lo lắng?".
Chị khẳng định: "Mình là phụ huynh, sẽ không đánh giá danh dự của con hay của gia đình chỉ vì một nụ hôn hay một cái ôm, cũng không buộc con mình hay bản thân phải không khiến người khác thất vọng và lo lắng. Ai có thể làm hài lòng cả thế giới? Ai có quyền đánh giá danh dự chỉ qua những cử chỉ nhỏ này?
Ngay cả khi 99% tình yêu học trò là không có kết quả, cũng không ai nói rằng tình yêu không học trò là có hậu cả. Hậu hay không là ở trái tim mình có cảm thấy xứng đáng hay không.
Nếu một người bạn đời chỉ vì nụ hôn hay cái ôm trong quá khứ của đối phương mà thấy không thể chấp nhận, người đó hẳn nhiên cũng chẳng có quá khứ gì để nhớ đến, là một người đáng thương hại hơn là đáng quý".
Độc giả tên Thanh nhận xét: "Tôi hiểu thầy cô sẽ cảm thấy việc làm này không phù hợp ở sân trường bởi đối với cha mẹ và thầy cô, các bạn dù trưởng thành vẫn là những đứa trẻ.
Nhưng việc thầy cô coi các em như thế nào không thể thay đổi được sự thật là cảm xúc dành cho bạn khác giới hoàn toàn phù hợp ở lứa tuổi này.
Nếu các bạn ấy không hôn nhau ở sân trường cũng sẽ hôn nhau ở nơi khác, ở những góc khuất mà cha mẹ và thầy cô không thấy được. Khi đó, người lớn sẽ không biết được con cái mình có cảm xúc như thế nào.
Nên người lớn có thể lựa chọn nhìn các bạn ấy hôn nhau ở trường học vào ngày cuối cùng của cấp 3, hoặc giả vờ như không biết và tự nói với bản thân rằng các em hãy còn nhỏ, không biết gì về tình yêu đôi lứa.
Tôi cho rằng thầy Triết nên thay đổi lăng kính của mình và nhìn từ góc nhìn của các bạn trẻ. Các bạn ấy không làm gì sai cả, chỉ là các bạn ấy vô tình đứng dưới lăng kính của thầy".
Từ việc học sinh hôn môi ở sân trường, độc giả Quyên cho rằng cha mẹ, thầy cô nên lồng ghép những câu chuyện dạy giữ ý tứ, thể hiện tình cảm cho các con thường xuyên và thẳng thắn.
"Phóng khoáng quá sẽ thành phóng đãng. Con tôi mới lớp 6 nhưng tôi đã có những câu chuyện chia sẻ về giữ ý tứ, nên và không nên làm, thể hiện cái gì không đẹp.
Cứ chia sẻ chuyện trò lâu ngày các con thấm dần. Ai cũng có tuổi trẻ, hành động xốc nổi. Đừng để khi nhìn lại, các con thấy ngại ngùng, xấu hổ không đáng có".