Văn hóa

Chiến đấu cho hạnh phúc ngày sau…

01/05/2025 20:44

Thế là ngày mai anh lên đường. Không được gặp em lần nữa, mong em thông cảm. Chúng ta chịu hy sinh trước mắt để cho hạnh phúc sau này, hạnh phúc con chúng ta”...

Phó Tư lệnh Sư đoàn 304B Hoàng Đan đã biên và gửi tới vợ mình, bà Nguyễn Thị An Vinh, tâm tình ấy trước khi ông cầm quân vào Nam chỉ huy chiến đấu tại mặt trận Khe Sanh, tháng 11/1967.

Thật may mắn khi trong những ngày kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), độc giả hôm nay được cầm trên tay cuốn sách “Thư cho em”. Cũng bởi, những lá thư của đôi vợ chồng: Thiếu tướng Hoàng Đan (1928 - 2003) - đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị An Vinh (1933 - 2022) sẽ mãi mãi trở thành riêng tư trong tổ ấm gia đình nếu như con ông - anh Hoàng Nam Tiến - không “cố tình” trái lời mẹ.

Anh kể, khi ba đột ngột đi xa năm 2003, mẹ anh - bà An Vinh đã yêu cầu con trai cho toàn bộ thư từ, nhật ký theo cùng ông. Vậy nhưng, anh đã “to gan” âm thầm giữ lại chiếc hộp chứa hơn 400 bức thư, đầu tiên là “tôi muốn những ký ức vừa lãng mạn, vừa vinh quang lại vừa rất đời thường đó tiếp tục sống với tôi và những đứa trẻ trong nhà”.

Rồi đến 2024, bởi sự hữu duyên với Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam mà từ những lá thư ấy, anh bắt đầu kể câu chuyện tình của ba mẹ mình rất riêng mà cũng rất chung trong một thời đại anh hùng và lãng mạn.

Được tái bản nhiều lần và phát hành đến hàng vạn quyển, “Thư cho em” tập hợp những trang thư được viết trong suốt hơn 40 năm của thiếu tướng Hoàng Đan viết cho vợ (là chủ yếu) và một số lá thư của bà An Vinh gửi tới chồng hồi ông du học ở Liên Xô. Trong đó, thật ấn tượng khi đọc những trang “Thư cho em giữa hai bên súng địch ta vẫn nổ” (từ 1967 - 1975) cùng tư liệu, dòng ký ức và cả các cảm nhận, suy ngẫm của người viết được thể hiện thật dung dị, chân thực, ấm áp mà không kém phần dí dỏm, cuốn hút người đọc. Qua đây, độc giả không chỉ thấy được tâm tình sắt son, bền chặt của lứa đôi thời chiến, mà còn hiểu thêm được vì sao dân tộc Việt Nam luôn chiến thắng mọi giặc ngoại xâm dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

chien-dau-cho-hanh-phuc-ngay-sau-1.jpg
Cuốn sách “Thư cho em” cuốn hút sự quan tâm của độc giả. Ảnh: Bình Thanh.

Nhìn từ lời hẹn

“Em, từ nay xa nhau chắc em và con nhớ lắm. Anh nhớ em và con bao nhiêu thì chắc em và con cũng nhớ bấy nhiêu. Nhưng con chúng ta, nhất là An, nó cũng hiểu như vậy và chúng ta tạm xa nhau để vì hạnh phúc chung của nhân dân. Trong đó có hạnh phúc riêng của chúng ta cùng con cái chúng ta…

Một ngày không xa, chúng ta sẽ gặp nhau…”.

Trong lá thư đề ngày 24/11/1967, người ở tiền tuyến Hoàng Đan (trên đường hành quân vào mặt trận Khe Sanh) đã gửi về hậu phương An Vinh (Hà Nội) một niềm tin chiến thắng cùng lời hẹn sẽ gặp lại vợ và các con của mình “một ngày không xa”. Để có “một ngày không xa” ấy, nhìn từ lời hẹn ở mỗi trang thư, trong gần 10 năm kháng chiến, ông cùng đồng đội đã phải tham gia hàng loạt chiến dịch, từ Khe Sanh, thành cổ Quảng Trị, Thượng Đức rồi đến chiến dịch Hồ Chí Minh để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Với chiến dịch Khe Sanh, “được xác định là hướng tiến công và là đòn chính của bộ đội chủ lực nhằm “nghi binh, lừa địch”, thu hút và ghìm chặt một bộ phận lực lượng cơ động chiến lược của quân Mỹ, tạo điều kiện cho quân và dân ta chuẩn bị và tiến công đồng loạt vào các đô thị trên khắp miền Nam”, người lính khi ấy ra trận với khí thế: “Hạ ba lô xuống là đánh nhau ngay. Cho đến hôm nay là 76 ngày chiến đấu liên tục… Các trận giải phóng quân đi Hướng Hóa, làng Vây; các trận vây hãm địch ở Tà Cơn và các trận đánh bọn kỵ binh đường không lên cứu viện cho Khe Sanh… Hiện nay đang ở giai đoạn quyết liệt nhất, địch ta đang quần nhau…”.

Rồi thì: “Đơn vị đã đánh gần 200 trận... Hồi Điện Biên đánh nhau 55 ngày thì cũng đã lâu, nay thì cho đến hôm nay là 136 ngày, mà còn tiếp tục chưa biết đến bao giờ. Cũng có thể là đánh liên tiếp cho đến lúc hết chiến tranh”. Dẫu vậy: “Thử thách chiến đấu vừa qua, anh thấy anh vẫn vững vàng về tinh thần và sức khỏe. Thời gian gặp em chắc còn lâu nhưng không lâu lắm đâu. Địch không chịu nổi đạn ta lâu đâu”.

chien-dau-cho-hanh-phuc-ngay-sau-2.jpg
Hộp lưu lại những lá thư thời chiến của tướng Hoàng Đan và vợ. Ảnh: GĐCC.

Những dòng thư ấy được Phó Tư lệnh Sư đoàn 304B Hoàng Đan viết năm 1968 vào các ngày 6/4 và ngày 5/6 là khi chiến dịch Khe Sanh diễn ra ác liệt, vừa phải đối phó với lực lượng thiện chiến nhất – lính thủy đánh bộ và lính kỵ binh bay, vừa phải chịu sự tấn công hằng ngày của máy bay B-52 nên “việc còn sống để trở về đã là một may mắn kỳ diệu, dù ở bất kỳ cấp bậc nào”. Nhưng cuối cùng, ông cùng đồng đội vẫn kiên cường trụ vững để khoảng 2 tháng sau Mỹ phải rút khỏi Khe Sanh.

Sau chiến dịch Khe Sanh là đến chiến dịch Đường 9 - Nam Lào rồi chiến dịch Trị Thiên tại mặt trận Quảng Trị, mùa Hè đỏ lửa 1972: “Chia tay em, chia tay các con, anh vào Quảng Bình rồi cùng đơn vị vào chiến trường, chuẩn bị chiến đấu và ngày 30/3 bắt đầu chiến đấu. Từ đó đến nay cũng đã qua nhiều đợt. Đánh Tân Lâm, Mai Lộc rồi vào Dĩ Tử, La Vãng, thị xã Quảng Trị, hôm nay thì đã ở Thừa Thiên rồi”. Những dòng thư đó được viết vào cuối tháng 8/1972. Đó là những ngày ông có mặt tại thành cổ Quảng Trị - nơi chiến sự luôn dữ dội và biết bao người con kiên cường giữ thành đã ở lại mãi mãi. Người trở về thì: “Cuối năm 1972, sau khi bám trụ 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị, ba được chở ra Bắc trong tình trạng suy kiệt. (…) Ông được đưa đến Viện 108, khi ấy người chỉ còn bốn mươi ki lô gam, hốc hác, xương xẩu, ốm liệt”.

Trước khi bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh, tướng Hoàng Đan còn được lệnh vào tăng cường cho mặt trận Thượng Đức (Quảng Nam) những 3 lần. Bằng tài năng và mưu trí, ông đã góp phần làm nên thắng lợi quan trọng của chiến dịch. Cuối tháng 3/1975, ông cùng đoàn quân thần tốc tiến lên đánh chiếm Quảng Trị, Huế và Đà Nẵng. Nhớ lại trận cha mình chỉ huy đánh chiếm Đà Nẵng mà phải vượt qua trở ngại lớn: Vượt đèo Hải Vân, anh Nam Tiến nhắc đến thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, người luôn nhắc về kỷ niệm: “Ngày hôm ấy, chú báo cáo tình hình với ba tôi dưới chân đèo rằng, mình có một trung đoàn bộ binh, có thêm một tiểu đoàn xe tăng, xét tương quan lực lượng thì không thể nào đánh được lên đèo!

“Nhưng thủ trưởng Đan vẫn ra lệnh tấn công!”.

Khi thấy chỉ huy bộ binh còn chưa biết bố trí vị trí chỉ huy thế nào, Phó Tư lệnh Quân đoàn 2 Hoàng Đan chỉ ngay vào mấy chiếc xe tăng: “Bộ đội ở đâu thì chỉ huy ở đó. Bộ đội cưỡi xe tăng thì chỉ huy cũng cưỡi xe tăng. Sở chỉ huy ở đó chứ ở đâu nữa!””.

chien-dau-cho-hanh-phuc-ngay-sau-4.jpg
Tác giả Hoàng Nam Tiến gặp gỡ và giao lưu với độc giả về cuốn sách “Thư cho em”, tháng 5/2024. Ảnh: Bình Thanh.

“Từ nay nước ta thanh bình!”

Trong lá thư gửi ngày 10/5/1975, ngay khi miền Nam được giải phóng, thống nhất đất nước, tướng Hoàng Đan đã viết những dòng tâm tình với vợ - người phụ nữ thủy chung, tảo tần gánh vác việc gia đình đằng đẵng suốt mấy chục năm trời để chồng yên tâm kháng chiến.

Dẫu biết rằng, khi đất nước còn chiến tranh thì chồng mình sẽ lại ra trận và luôn có mặt ở những nơi ác liệt nhất nhưng cũng có khi bà “nói dỗi”: “Anh ham đi đánh trận mà quên việc gia đình, chưa ra đến nơi đã vào”. Ông trần tình thế này: “Anh nghĩ, đánh giặc cho tốt là lo cho nước và cũng là lo cho nhà. Như vậy là sau này con chúng ta không phải đi chiến đấu nữa… Thế là từ nay nước ta thanh bình, chỉ lo xây dựng nữa thôi”.

Thực ra trước đó ông cũng thường xuyên nói về điều này. Lá thư đề ngày 1/4/1975: “Các anh đã hoàn thành hai chiến dịch, chiến dịch giải phóng Thừa Thiên Huế và chiến dịch giải phóng Quảng Nam, Đà Nẵng… Anh nghĩ, anh cũng như mấy đồng chí khác cũng phải cố gắng kết thúc chiến tranh sớm để khỏi phải phiền đến con chúng ta, để cho chúng được hòa bình, học tập, xây dựng đất nước”.

Còn ở lá thư viết ngày 5/11/1974: “Từ một địa điểm cách em đúng ngàn dặm, trong chiến hào, hai bên súng địch ta vẫn nổ, anh viết thư cho em… Em cũng muốn anh công tác bên em, nhưng em rõ quá rồi, không lẽ chúng ta dừng lại không giải phóng miền Nam, mà giải phóng miền Nam thì không thể ngồi ở Hà Nội hô rồi giải phóng được”.

chien-dau-cho-hanh-phuc-ngay-sau-5.jpg
Người trẻ quan tâm đến những lá thư thời chiến của tướng Đan gửi cho vợ được trưng bày ở buổi giao lưu giữa tác giả với độc giả cuốn “Thư cho em”, tháng 5/2024. Ảnh: Bình Thanh.

Nhất là, người chỉ huy xuất sắc trên nhiều mặt trận ấy còn có những chia sẻ thật sâu sắc với người bạn đời về nhiệm vụ của mình: “Em nói anh thích đi chiến đấu, thích thì không phải nhưng phải chiến đấu vì có chiến đấu thì mới giải phóng được Tổ quốc, và có giải phóng Tổ quốc thì em yêu quý của anh mới đàng hoàng ở Hà Nội được và con cái của chúng ta mới có điều kiện học đến nơi, đến chốn được. Nếu đời cha không giải phóng được thì đời con phải đi chiến đấu” (thư ngày 27/9/1974).

Trước đó, ngày 5/6/1968, ông cũng căn dặn vợ hiền: “Các đồng chí ngoài Bắc vào nói nhân dân rất phấn khởi và đoán là sắp kết thúc rồi. Trong này cũng rất phấn khởi và cũng cho là không lâu nữa. Nhưng không phải nhanh như Hà Nội tưởng đâu, cũng còn phải đánh nhau mệt. Em cứ ráng chịu đựng, thời gian xa nhau tính bằng năm, không nên tính bằng tháng đâu. Các anh thì cho một hai năm kết thúc cuộc chiến tranh này là nhanh rồi. Tất nhiên nó sẽ kết thúc và phần thắng thì nắm trong tay rồi, nhưng cho đến khi toàn thắng cũng còn phải cố gắng nhiều”.

Đấy là ý chí của người ra trận. Còn với người ở hậu phương, có thể đôi lúc sẽ có những cách nói dỗi với chút hờn trách rằng sao đi miết, đi mải nhưng thực ra người mẹ, người vợ Việt Nam nào cũng thấu hiểu những bước chân kháng chiến của chồng, con mình cùng mong mỏi “chân cứng, đá mềm”, chiến tranh sớm kết thúc để đất nước thống nhất, gia đình sum họp. Chẳng thế mà bên cạnh sự ngưỡng mộ về người cha “người lính, người chỉ huy như ba, luôn xác định tinh thần ra chiến trường bất cứ lúc nào, vì thế, ông bước đi bình thản và nhanh chóng” thì anh Nam Tiến còn nhấn mạnh: “Và điều vĩ đại không kém, là mẹ cũng coi chuyện ba lên đường như một lẽ tất yếu, hiển nhiên. (…) Bà bình thản đón nhận trách nhiệm và chu toàn để chồng yên tâm đánh giặc”.

Điều này cũng được chính người ra trận nhiều lần xác nhận: “Anh rất tin tưởng ở sự đảm đương của em, không phải lo gì vì đã có người vợ đảm ở hậu phương, em là người đã giúp đỡ anh an tâm chiến đấu ở chiến trường và cũng có lẽ không phải lo nghĩ nhiều và lúc nào cũng phấn khởi nên anh khỏe mạnh luôn” (thư ngày 24/9/1972).

“Mọi việc ở nhà mong em lo liệu. Bố già, các con dại một mình em, anh rất thông cảm với em nhưng cũng chỉ biết trông cậy và tin tưởng em” (thư ngày 20/3/1973).

Thật xúc động khi hôm nay được đọc những dòng thư là riêng mà cũng rất chung trong “Thư cho em” để thêm tự hào: Bởi người ra trận luôn quyết tâm chiến đấu vì nền độc lập, hòa bình của đất nước và cũng vì tổ ấm của gia đình; bởi người ở hậu phương thủy chung, sắt son và luôn xuất sắc trong mọi vai trò… thì tất nhiên, bất kỳ giặc ngoại xâm nào cũng đều phải lùi bước để nền hòa bình mãi vững bền cùng đất nước, dân tộc Việt Nam anh hùng.

“Ngay sau khi giải phóng Đà Nẵng, ba và các quân đoàn tiến như vũ bão vào Sài Gòn. Quân đoàn 2 phối hợp với Quân đoàn 1, 3, 4 và Đoàn 232 hình thành 5 cánh quân sẵn sàng tiến công. (...) Ba tôi là một trong những vị chỉ huy đầu tiên cấp quân đoàn có mặt tại dinh Độc Lập ngay tại thời điểm xe tăng của quân đội Việt Nam húc đổ cổng dinh, buộc địch đầu hàng, cắm lá cờ đỏ sao vàng lên nóc dinh, kết thúc chiến tranh”. Có một điều, dù: “Thật may mắn, giữa mưa bom bão đạn, ba tôi vẫn trở về vẹn nguyên, nhưng có biết bao chiến sĩ đã không được may mắn ấy. Ba tôi lúc nào cũng đau đáu về những người đã ngã xuống vì hòa bình. Và ngày 30/4/1975 ba không bao giờ gọi đó là ngày chiến thắng mà là ngày HÒA BÌNH, ngày THỐNG NHẤT”. Khi nhớ về ba mình, Hoàng Nam Tiến đã đặc biệt nhớ về niềm đau đáu ấy của vị tướng dạn dày trận mạc Hoàng Đan - một ký ức lắng sâu.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/chien-dau-cho-hanh-phuc-ngay-sau-post729354.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/chien-dau-cho-hanh-phuc-ngay-sau-post729354.html
Bài liên quan
Ký ức 50 năm của thế hệ sinh viên Sư phạm Thái Nguyên lên đường ra trận
Trong kháng chiến chống Mỹ, hơn 400 cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc đã cầm súng ra trận, có những người không thể trở về.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiến đấu cho hạnh phúc ngày sau…