"Những cuộc tấn công như thế này sẽ ngày càng trở nên thường xuyên hơn bởi trọng tâm hiện nay là làm suy yếu khả năng tiến hành các chiến dịch dữ dội của lực lượng vũ trang Ukraine", chuyên gia quân sự Boris Rozhin thuộc Trung tâm Báo chí Quân sự - Chính trị đánh giá trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Sputnik.
Ông nhận định, việc tiến hành các cuộc tấn công mà không có đạn dược là một nhiệm vụ thách thức, đó là lý do tại sao "hiện nay chúng ta thấy quân đội Nga truy lùng các kho vũ khí của Ukraine".
"Việc phá hủy các cơ sở này ít nhất sẽ tạo nên những vấn đề hậu cần tạm thời cho đối phương như vận chuyển, lưu trữ và các vấn đề khác. Dĩ nhiên điều này sẽ khiến đối phương gặp khó khăn trong việc tiến hành các chiến dịch", ông Rozhin nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, các cuộc tấn công của Nga "khá hiệu quả và ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng chiến đấu của Urkaine".
Chuyên gia Earl Rasmussen, Trung tá Lục quân Mỹ đã nghỉ hưu cho rằng đây là một động thái để loại bỏ các kho đạn của Ukraine "trước khi chúng có cơ hội được sử dụng".
"Họ đang tiếp tục làm suy giảm khả năng của quân đội Ukraine. Ý tôi là nếu không có đạn dược, một xe tăng Leopard hay một khẩu lựu pháo cũng chẳng thể làm được gì nhiều", ông Rasmussen nói.
Những thông tin trên được đưa ra giữa bối cảnh truyền thông phương Tây vào tháng trước đưa tin, NATO đang đối mặt với tình trạng "nguồn cung đạn dược cho Ukraine giảm dần". Các bài báo dẫn lời các quan chức giấu tên cho biết, Mỹ "gần chạm giới hạn đỏ" khi tiếp tục cung cấp đạn pháo cỡ nòng 155mm cho Ukraine.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nhận định, mặc dù Washington đã tăng cường sản xuất đạn dược vào năm ngoái nhưng sẽ phải mất "một vài năm" để việc sản xuất trên quy mô lớn ở mức có thể chấp nhận được.