Giá xăng bán lẻ trong kỳ điều hành chiều nay 24/7 được dự báo tiếp tục giảm, còn giá dầu lại ngược chiều tăng.
Trước diễn biến giá dầu thế giới tuần qua, đại diện một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu dự báo giá xăng có thể giảm 130- 200 đồng/lít, còn giá dầu có thể tăng cao nhất 400 đồng/lít.
Trong khi đó, mô hình dự báo giá xăng dầu của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho thấy, tại kỳ điều hành ngày 24/7, giá xăng bán lẻ có thể giảm nhẹ 0,8%, trong khi giá dầu có thể tăng 0,8-2% nếu liên bộ Tài chính - Công Thương không trích lập hay chi sử dụng quỹ bình ổn.
Theo đó, VPI dự báo giá bán lẻ xăng E5 RON92 có thể giảm 160 đồng về mức 19.320 đồng/lít, còn xăng RON95 có thể giảm 162 đồng về mức 19.758 đồng/lít.
Trong khi đó VPI dự báo giá dầu bán lẻ kỳ này tăng nhẹ từ 0,8-2%. Cụ thể dầu diesel có thể tăng 374 đồng (2%) lên mức 19.164 đồng/lít, dầu hỏa có thể tăng 1,1% lên mức 18.624 đồng/lít, còn dầu mazut được dự báo tăng 0,8% lên mức 15.343 đồng/kg.
VPI cho rằng liên bộ Tài chính - Công Thương kỳ này tiếp tục không trích lập hay chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Nếu đúng như dự báo, giá xăng trong nước chiều nay sẽ được điều chỉnh giảm lần thứ hai liên tiếp.
Trước đó, trong kỳ điều hành ngày 17/7, giá xăng E5 RON92 giảm 178 đồng/lít, không cao hơn 19.481 đồng/lít. Giá xăng RON95 giảm 165 đồng/lít, không cao hơn 19.925 đồng/lít.
Giá các loại dầu diễn biến trái chiều. Cụ thể, giá dầu diesel giảm 38 đồng/lít, về 18.799 đồng/lít. Giá dầu mazut giảm 85 đồng/kg, không cao hơn 15.478 đồng/kg. Chỉ riêng giá dầu hỏa tăng 58 đồng/lít, không cao hơn 18.429 đồng/lít.
Tính từ đầu năm 2025 đến nay, giá xăng trong nước trải qua 28 phiên điều chỉnh, trong đó có 11 phiên giảm, 12 phiên tăng và 5 phiên trái chiều.
Giá dầu thế giới tiếp tục giảm
Trên thị trường thế giới, lúc 5h30 ngày 24/7 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent ở mốc 68,19 USD/thùng, giảm 0,42 USD/thùng, giá dầu WTI ở mốc 64,91 USD/thùng, giảm 0,41 USD/thùng.
Cả hai loại dầu đều tiếp tục giảm sau khi Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố đang cân nhắc các biện pháp đối phó với thuế quan của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Ba cho biết Mỹ và Nhật Bản đã đạt được một thỏa thuận thương mại, bao gồm mức thuế 15% đối với hàng nhập khẩu từ Nhật Bản.
Tuy nhiên, chuyên gia phân tích thị trường dầu Vandana Hari, người sáng lập hãng phân tích Vanda Insights nhận định: “Đà giảm giá trong ba phiên gần đây có thể đã chững lại, nhưng tôi không kỳ vọng động lực tăng giá sẽ đến từ tin tức về thỏa thuận Mỹ - Nhật, bởi các trở ngại và trì hoãn trong đàm phán với EU và Trung Quốc vẫn đang là lực cản tâm lý đối với thị trường”.
Ủy ban châu Âu dự kiến sẽ trình lên các nước thành viên đề xuất áp thuế trả đũa đối với 93 tỷ euro (109 tỷ USD) hàng hóa của Mỹ, dù mục tiêu chính của khối vẫn là tìm kiếm một giải pháp đàm phán nhằm tránh mức thuế 30% từ phía Washington.
Trong khi đó, giới đầu tư đang chờ dữ liệu dự trữ dầu thô của Mỹ từ Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) sẽ được công bố vào cuối ngày thứ Tư.
Một trong những thông tin có thể hỗ trợ giá dầu đó là việc Mỹ đang cân nhắc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ Nga nhằm chấm dứt xung đột tại Ukraine.